Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, hiện đại01/05/2021 - 10:44:00 Hôm nay (1/5), trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng 5 với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Ở nước ta các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn là dịp để khơi dậy niềm tự hào, bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân, công nhân viên chức lao động đối với Đảng, tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, động viên công nhân viên chức lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng nhìn lại các hoạt động của mình hướng về công nhân, sát cánh cùng công nhân lao động về những việc đã làm được và những giải pháp mới để xây dựng giai cấp công nhân thực sự vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong lao động sản xuất, chung tay đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra. Nhân sự kiện này chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nội dung này. PV: Ngược dòng lịch sử, ngay trong những ngày đầu thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, với bộn bề khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới giai cấp công nhân qua việc ban hành Sắc lệnh quy định quyền được nghỉ làm việc có hưởng lương vào ngày Quốc tế lao động và tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động với sự tham gia của 20 vạn nhân dân lao động. Xin ông cho biết sự kiện này có ý nghĩa lịch sử ra sao vào thời điểm đó? Ông Nguyễn Đình Khang: Như chúng ta đều biết, ngày 1/5/1886 – cách đây đúng 135 năm, làn sóng biểu tình của công nhân thành phố Chicago - Mỹ đã thành công vang dội, rồi lan sang cả các nước Châu Âu đã buộc chính quyền tư sản phải chấp nhận “Ngày làm việc 8 giờ” theo yêu sách của giai cấp công nhân. Sự kiện này đã đánh dấu bước thắng lợi quan trọng của phong trào vô sản quốc tế. Còn tại Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931. Đặc biệt, chỉ hơn nửa năm sau khi nước nhà giành độc lập, ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 56 quy định quyền được nghỉ làm việc có hưởng lương vào Ngày Quốc tế Lao động. Sắc lệnh đã thể hiện tính dân chủ, nhân văn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến quyền lợi thiết thân của người lao động. Ngay sau đó, vào ngày 1/5/1946, 20 vạn công nhân, nhân dân lao động tham gia Lễ mít tinh 1/5 ngay sau đó cho thấy sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động chính là gốc rễ thành công của công cuộc cách mạng. Ngày 1/5 từ đó, trở thành “Ngày Tết lao động” chung của công nhân và người lao động Việt Nam, là bài học kinh nghiệm quý báu về công tác công vận của tổ chức Công đoàn. PV: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng, phát triển giai cấp công nhân. Tư tưởng, quan điểm của Đảng được thể hiện xuyên suốt trong văn kiện các kỳ đại hội, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa 10 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Điều này có ý nghĩa ra sao trong việc phát triển đội ngũ giai cấp công nhân mạnh cả về số lượng và chất lượng? Ông Nguyễn Đình Khang: Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương 6, khoá X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ra đời cho thấy sự quan tâm, chăm lo của Đảng đến giai cấp đi đầu trong xây dựng xã hội mới. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 20, nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân được tập trung giải quyết và đạt kết quả quan trọng như: Việc làm ổn định hơn; tiền lương tối thiểu đã cao hơn mức sống tối thiểu; chính sách an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung, hoàn thiện; điều kiện làm việc được cải thiện; nhà ở, thiết chế văn hóa, xã hội, giáo dục của công nhân, nhất là công nhân trong các KCN được quan tâm đầu tư xây dựng… PV: Nhân đây ông cũng cho thể cho khán thính giả được biết sự lớn mạnh của giai cấp công nhân trong thời gian qua, đặc biệt trong suốt quá trình 35 năm đổi mới vừa rồi? Ông Nguyễn Đình Khang: Qua 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng: Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được nâng cao, thái độ chính trị có nhiều tiến bộ. Đến nay, cả nước có khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương, có khoảng gần 17 triệu lao công nhân. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 60% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước. Giai cấp công nhân đang khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. PV: Tuy vậy trong bối cảnh hội nhập toàn cầu diễn ra nhanh chóng như hiện nay và kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo, robot làm việc đang tạo ra những thách thức mới cho giai cấp công nhân. Theo ông những thách thức đó là gì? Ông Nguyễn Đình Khang: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra những thách thức lớn đối với việc làm và đời sống của một bộ phận không nhỏ người lao động. Đó là, tự động hóa phát triển mạnh, máy móc thay thế sức lao động con người sẽ xuất hiện nguy cơ dư thừa lao động giản đơn, trình độ thấp. Bên cạnh đó, sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển lực lượng lao động. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như trước. Thực tế hiện nay ở nước ta, số lượng công nhân lao động tăng nhanh về số lượng, trình độ đã từng bước nâng lên, song nhìn chung nhân lực trình độ cao để có thể vận hành máy móc hiện đại chưa có nhiều. Cùng với đó, tự động hóa cao yêu cầu theo quy trình, quy chuẩn nghiêm ngặt, đòi hỏi người công nhân phải có kỉ luật công nghiệp cao trong khi phần lớn công nhân của chúng ta xuất thân từ nông dân, nề nếp kỉ luật là vấn đề cần phải rèn luyện nhiều. Những thách thức trên cho thấy, để có việc làm ổn định, bền vững người lao động phải luôn chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa. Mỗi cá nhân người lao động phải nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là thay đổi tư duy, tập quán nông nghiệp, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. PV: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp nào để hỗ trợ lực lượng công nhân viên chức, người lao động vượt qua thách thức này, xây dựng cho được một giai cấp công nhân thực sự vững mạnh, thực sự là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm chủ công nghệ; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh và hiện đại? Ông Nguyễn Đình Khang: Chúng tôi đã có Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019 - 2023”. Trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể tới từng cấp công đoàn để vận động, tổ chức cho đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hăng say lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và sự lớn mạnh của cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Trước đó, Tổng Liên đoàn đã có Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Qua 5 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy đội ngũ đoàn viên, người lao động đã chủ động hơn nhiều trong việc tự học tập nâng cao trình độ. Số lượng công nhân lao động qua đào tạo và được đào tạo lại tăng dần hàng năm. Thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 30.000 CĐCS tại doanh nghiệp, đơn vị thương lượng thành công đưa nội dung hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ vào nghị quyết hội nghị người lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Đã có khoảng 11.600 đơn vị, doanh nghiệp xây dựng quỹ khuyến học hỗ trợ công nhân lao động… Đây là những tín hiệu rất tốt cho thấy nhận thức của người lao động cũng như người sử dụng lao động đã được nâng lên rõ ràng. Năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục có Đề án “Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động giai đoạn 2020 - 2023 và định hướng đến năm 2030”, trong đó Tổng Liên đoàn tập trung sắp xếp, củng cố, kiện toàn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình cùng với đó, yêu cầu các cấp công đoàn tích cực phối hợp với người sử dụng lao động trong xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động và đưa những nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể... PV: Bối cảnh mới cũng đang đặt ra những thách thức mới nào cho Tổng Liên đoàn lao động và các tổ chức công đoàn cơ sở, đòi hỏi phải có sự đổi mới phương thức hoạt động ra sao để thực sự là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân viên chức, người lao động, thưa ông? Ông Nguyễn Đình Khang: Nhận thức rõ những thời cơ và thách thức, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, là cầu nối giữa Đảng với giai cấp công nhân. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Một là, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý tổ chức bộ máy linh hoạt, được kiểm soát tốt, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức. có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung cho các địa bàn có đông đoàn viên, người lao động ngoài khu vực nhà nước, có vấn đề phức tạp về quan hệ lao động. Hai là, nâng cao năng lực trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, trong tham mưu và kiểm tra việc thực hiện ở các cấp công đoàn; Đổi mới các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng. Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn đi đôi với tăng cường công tác quản lý đoàn viên. Tập trung xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bốn là, thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật. PV: Trở lại với ngày Quốc tế lao động mùng 1 tháng 5. Có thể thấy hiếm có nước nào có nhiều sáng tạo và có những hoạt động thực chất về ngày Quốc tế Lao động khi đưa ra và thực hiện sáng kiến tháng 5 là Tháng Công nhân, thực hiện các hoạt động cao điểm hướng về công nhân kéo dài suốt 1 tháng thay vì chỉ một vài ngày như ở các nước. Đồng chí có thể cho biết kết quả 10 năm thực hiện Tháng công nhân? Ông Nguyễn Đình Khang: Từ ý tưởng cần tạo ra những cao trào trong hoạt động chăm lo cho giai cấp công nhân, người lao động, ngày 24/2/2012, tại Thông báo số 77-TB/TW, Ban Bí thư đã “Đồng ý chủ trương lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân” theo như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến nay, bước sang năm thứ 10, các hoạt động trong Tháng Công nhân ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng. Số công nhân lao động được chăm lo tăng dần qua từng năm. Ước tính, đến nay, đã có hàng chục triệu lượt công nhân lao động được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe, hỗ trợ Mái ấm Công đoàn… trong dịp Tháng Công nhân với số tiền hàng chục nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Tổng Liên đoàn đã thành công khi tạo diễn đàn để Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động hằng năm. Qua đó giúp Chính phủ kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động, giải quyết những khúc mắc trong chính sách, khẳng định Chính phủ kiến tạo, gần dân, lấy việc nâng cao đời sống, bảo đảm việc làm của người lao động làm trung tâm cho mọi quyết sách phát triển. Những chăm lo thiết thực của tổ chức Công đoàn và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp đã động viên CNVCLĐ cả nước phong trào thi đua lao động sản xuất hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch tháng, quý, năm của đơn vị, doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, đã có hơn 1 triệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích trong sản xuất với tổng giá trị làm lợi lên tới hơn 198.000 tỷ đồng. Tháng Công nhân đã được đoàn viên, người lao động đón nhận, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp ủng hộ và cộng đồng xã hội ghi nhận, đánh giá cao, thực sự là điểm nhấn, tạo những hiệu ứng xã hội tốt đẹp, khẳng định giai cấp công nhân là lực lượng đi đầu trong xây dựng và phát triển đất nước. PV: Vì sao năm nay Tổng liên đoàn lao động lựa chọn chủ đề Tháng Công nhân là “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển”. Và trong tháng 5 này Tổng Liên đoàn lao động sẽ có những hoạt động gì nổi bật và thực chất cho công nhân thưa ông? Ông Nguyễn Đình Khang: Trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lấy chủ đề của Tháng Công nhân năm 2021 là “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” nhằm tăng cường đoàn kết giai cấp, phát huy vai trò tiên phong, năng lực sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động trong thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp. Đây cũng là phương châm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ” thực hiện mục tiêu của năm là “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”. Theo chỉ đạo và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, các cấp Công đoàn đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tập trung vào các Chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” - tuyên dương đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; “Lắng nghe – Thấu hiểu – Chia sẻ”; các hoạt động “Cảm ơn người lao động”. Vừa mới đây, ngày 28/4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động và phát động Tháng Công nhân- Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2021, khơi dậy niềm tự hào, bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân, đặc biệt là đoàn viên, CNVCLĐ, động viên CNVCLĐ tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhắc tới các hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức công đoàn các cấp không thể không nhắc tới những chương trình từ thiện, hoạt động xã hội hướng về công nhân như: Tết cho công nhân, nhà ở xã hội cho công nhân, các chương trình đồng hành với công nhân viên chức lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. PV: Xin cảm ơn ông. Theo Giáo dục & Thời đại
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|