Điều đó, đặt trở lại câu hỏi, có khi nào, những tác nhân gây tổn thương kia có thể được kiểm soát? Bằng cách nào chúng ta sống cùng nhau nhân ái, bao dung hơn? Nhân câu chuyện về những tranh luận thơ ca đang diễn ra trên báo chí và mạng xã hội thời gian qua, chúng tôi muốn gợi lại những suy tư về thái độ, ứng xử của con người với nhau, để hướng tới những điều kiện sống tốt đẹp hơn.
Một cánh rừng có thể bị tổn thương bởi những kẻ “ăn rừng”. Một dòng sông bị tổn thương bởi những nguồn nước độc. Một không gian văn hóa bị tổn thương bởi những hiện diện phi nhân tính, phản nhân văn. Một cộng đồng bị tổn thương bởi những kẻ luôn gieo rắc sự bất an. Một con người bị tổn thương bởi sự “bạo hành” từ chính đồng loại của mình.
“Bạo hành” có phải là khái niệm thỏa đáng khi chúng ta nói về những cách thức làm tổn thương nhau? Một bài thơ, một câu chuyện đăng báo; một status trên trang cá nhân; một comment đâu đó... có thể là nguồn cơn cho một cuộc bạo hành. Nhớ lại, quãng đầu những năm 2000, khi một nhà thơ nữ, trẻ tuổi, xuất hiện với những bài thơ thể hiện khát khao yêu đương, khát khao ái ân mãnh liệt, đã có không ít người lên tiếng chê bai, miệt thị, xem đó là biểu hiện của sự hư hỏng.
Nhiều năm liền, những lời nói đã biến thành vũ khí khiến người trong cuộc và cả những người quan sát có lương tri bị tổn thương là điều có thể cảm nhận được. Việc trước chưa nguôi, việc sau đã xảy đến, làm đầy lên những ái ngại về cách ứng xử của cộng đồng, văn giới với nhau. Mới đây, một chùm thơ của một tác giả được giới thiệu trên một diễn đàn văn chương uy tín, bỗng dưng trở thành tâm điểm, thành đối tượng cho một cuộc "bạo hành tập thể" trên mạng xã hội. Vẫn là câu chuyện chất lượng thơ và cái tâm, cái tầm của người biên tập. Tuy nhiên, từ câu chuyện nghệ thuật, thẩm mỹ, đáng lẽ ra là hiện thân của vẻ đẹp văn chương, đời sống, lại biến thành một cuộc tẩy chay, mạt sát, miệt thị, triệt hạ nhau một cách tàn khốc. Biểu hiện rõ nhất của tác nhân gây tổn thương trong những ví dụ vừa nêu là lời nói, bình luận, bài viết nhằm phê phán, phủ định, tẩy chay tác giả, tác phẩm, diễn đàn. Rất nhiều trong số đó là những câu chửi rủa, miệt thị đến mức thô tục, thiếu văn hóa, thậm chí phản cảm. Rất ít người đưa ra được những nhận định, đánh giá một cách thuyết phục từ tri thức, năng lực thẩm mỹ cùng thái độ trọng thị, bao dung dành cho thơ ca và con người. Những lời nói như roi quất, như dao cứa, gai đâm, kim chích, có lẽ đã làm lòng người ứa máu. Điều đáng nói là, những lời phê phán kia, lẽ ra có thể được cất lên bằng một cách khác, giàu nhân văn, nhân tính hơn.
Đã đành, người bị tổn thương là tác giả, là những người liên quan, là diễn đàn đăng tải và cả chùm thơ vô tội kia nữa. Thế nhưng, nghĩ cho cùng, đâu chỉ những nạn nhân trực tiếp mới tổn thương. Người yêu văn chương nghệ thuật; người có trái tim bao dung, rộng lượng với người, với đời; người ôm ấp niềm hy vọng về một môi trường sống-môi trường nghệ thuật giàu tính chân-thiện-mỹ sẽ thấy bị tổn thương. Và cứ lắng lại lòng mình mà xem, khi ta làm tổn thương ai đó, chính trong lòng ta cũng đang tổn thương. Điều quan trọng hơn nữa, sau những lời đao kiếm kia, cộng đồng bị tổn thương. Mầm mống của tiêu cực, bạo lực sẽ được nuôi dưỡng từ những ứng xử như thế. Sẽ như thế nào, nếu trong mắt mỗi người, cuộc sống kia, văn giới kia là cạm bẫy, là lôi đài, là pháp trường?... Cùng một mục đích nâng cao chất lượng, giá trị nghệ thuật, nhưng phải nói làm sao để vừa đạt mục đích, vừa không làm tổn thương nhau, vừa có thể đem đến một không khí nhân văn cho đời sống văn hóa-văn nghệ. Thiết nghĩ, đó mới là điều cần phải nỗ lực, bởi mỗi cá nhân, mà trước hết là những người đang trực tiếp tham dự vào đời sống ấy. Đối thoại là để chung sống, không phải là loại trừ. Văn chương nghệ thuật, mà rộng hơn là văn hóa, là cách để chúng ta sống tốt hơn, không phải là con đường đi đến hủy diệt.
Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM