Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với đời sống còn rất vất vả của nhiều công nhân: "Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em công nhân”.
Người đứng đầu Chính phủ thông báo tin vui, trong sáng nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Thông tin này được các công nhân đón nhận bằng những tràng pháo tay rộn rã khắp hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang cũng như tại đầu cầu của 63 tỉnh thành.
Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn
Từ đầu cầu TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thúy Hà, sinh năm 1982, làm việc tại Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh gửi đến người đứng đầu Chính phủ những bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu. Trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi.
“Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần; chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút”, Hà chia sẻ.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, trong quý 1, 2, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH 1 lần. “Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu”, Bộ trưởng cảnh báo.
Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm sẽ trình Quốc hội vào năm 2023.
“Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn” trên tinh thần công bằng, chia sẻ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn.
Ngoài ra, ông Dung còn cho biết, dự thảo luật có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn; quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của công nhân để ép mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, các bộ ngành phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Theo người đứng đầu Chính phủ, vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
“Nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan”, Thủ tướng lưu ý.
Xử lý ngay để bảo đảm lợi ích của người lao động
Cùng mối quan tâm, anh Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1981, Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc phản ánh “tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Dịp gần Tết Nguyên đán, có tình trạng một số DN bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH nên công nhân không có lương và thưởng Tết.
“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như: Không ký hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc… để chúng cháu yên tâm làm việc”, anh Hùng gửi gắm.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, còn bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nguyên tắc, quy định của pháp luật, vẫn còn tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm.
Thậm chí kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này. Ví dụ gần đây, một địa phương ở Bắc Trung Bộ có mấy trăm doanh nghiệp nhưng có 1/4 doanh nghiệp vừa và nhỏ trốn đóng bảo hiểm”, ông Dung nêu thực tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, giữa hành vi trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm rất khó phân biệt. “Khi chúng tôi kiểm tra, thanh tra thì doanh nghiệp nói chỉ chậm đóng chứ không trốn đóng bảo hiểm. Bộ đã phối hợp với Hội đồng thẩm phán ra Nghị quyết số 05. Tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết vấn đề này”, Bộ trưởng tiếp thu và cam kết sẽ làm tốt nhất công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Nhìn nhận, đây là vấn đề đang nổi lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt.
“Những gì liên quan đến luật pháp thì đánh giá tác động, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành thì phải xử lý ngay để bảo đảm lợi ích của người lao động”, Thủ tướng yêu cầu.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, BHXH cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm, ai chưa chấp hành phải xử lý để bảo vệ lợi ích chung; ai làm tốt phải khuyến khích, tổng kết, nhân rộng mô hình.
Nhấn mạnh, sai đến đâu xử lý đến đó, Thủ tướng yêu cầu tinh thần là giữ kỷ cương, kỷ luật, động viên người làm tốt; phải giải quyết được lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động.
Trả lời câu hỏi liên quan đến tín dụng đen, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIT là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân. Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, có tình trạng cho vay với lãi suất lên tới 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1000%/tháng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM… Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Do đó, tình hình liên quan tín dụng đen về cơ bản không gây bức xúc ở trong công nhân và xã hội. |
Thu Hằng - Ảnh: Lê Anh Dũng