Theo kênh Al Jazeera ngày 29/11, người dân Bờ Tây cũng nói rằng binh sĩ Israel đang thực hiện hàng chục vụ bắt giữ trong thành phố Jenin, không chỉ ở trại tị nạn trên.
Ngoài ra, tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết họ đã bị lực lượng Israel chặn lại trong khoảng 40 phút. Sau đó, phía Israel đã bắt giữ một người Palestine bị thương.
Quân đội Israel đã bao vây nhiều bệnh viện ở Jenin gần đây. Theo kênh Al Jazeera, binh sĩ Israel bao vây các bệnh viện này có lẽ là để tìm kiếm những tay súng Palestine bị thương. Jenin, một trong những thành phố ở Bờ Tây bị chiếm đóng, được coi là trung tâm phản kháng vũ trang của người Palestine.
Hiện có khoảng 5 người bị thương và dự báo số người bị thương sẽ tăng lên khi người Palestine cho biết xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang liên tục giữa các tay súng Palestine và quân đội Israel.
Lực lượng Israel đang tiến hành một trong những cuộc đột kích lớn nhất ở Bờ Tây kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Họ đã bắt giữ hàng chục người ở Jenin và trại tị nạn Jenin.
Cả thành phố Jenin và trại tị nạn ở đây từ lâu đã là tâm điểm phản kháng của người Palestine. Trại Jenin được thành lập ngay sau khi khoảng 750.000 người Palestine bị buộc phải di dời khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948.
Vị trí của trại Jenin rất quan trọng vì gần với thành trì của phong trào phản kháng có tổ chức đầu tiên của người Palestine chống sự cai trị của Anh.
Ông Diana Buttu, một nhà phân tích chính trị và luật sư người Palestine, từng nói với kênh Al Jazeera vào năm 2022: “Có hai nơi ở Palestine mà Israel chưa bao giờ có thể kiểm soát hoàn toàn: Jenin và Gaza”.
Trong khi đó, lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza vừa được gia hạn thêm hai ngày.
Ngày 28/11 là ngày thứ 5 của thỏa thuận ngừng bắn đã được hai bên nhất trí gia hạn lên 6 ngày. Trong ngày này, đã có thêm 12 con tin được lực lượng Hamas trả tự do ở Gaza để đổi lấy việc Israel trả tự do cho các tù nhân Palestine.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết 10 công dân Israel, trong đó có một số người hai quốc tịch, và hai công dân Thái Lan đã được trả tự do. Phía Israel sau đó cũng cho biết 30 tù nhân Palestine đã được phóng thích theo thỏa thuận ngừng bắn.
Đáng chú ý, cũng trong ngày 28/11, cả Israel và Hamas đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được gia hạn trong một số vụ việc, nhưng giới chức Qatar làm trung gian cho thỏa thuận khẳng định các vụ việc nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến việc hai bên duy trì thỏa thuận ngừng bắn.
Một nguồn tin cho biết giới chức tình báo Mỹ và Israel đã có mặt ở Doha để thảo luận về giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.
Trong 4 ngày của thỏa thuận ngừng bắn ban đầu, Hamas đã trao trả 50 con tin người Israel và 19 công dân nước ngoài, phần lớn người Thái Lan, trong khi Israel cũng đã phóng thích 150 tù nhân Palestine. Hamas được cho đang giữ khoảng 240 con tin kể từ khi xung đột bùng phát hôm 7/10.
Từ Liban, phong trào Hezbollah cũng bày tỏ hi vọng thỏa thuận ngừng bắn hiện nay sẽ được kéo dài lâu nhất có thể để mở đường cho một lệnh ngừng bắn kéo dài và khả năng nối lại đàm phán giữa các bên.
Ngày 28/11, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung kêu gọi tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza để tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện trả tự do cho tất cả con tin. Tuyên bố nêu rõ: “Mọi nỗ lực phải được thực hiện để đảm bảo hỗ trợ nhân đạo cho dân thường. Chúng tôi ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn hiện nay và thêm các lần ngừng bắn trong tương lai để có thể tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện giải phóng tất cả con tin”.