Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 4 vừa qua, tiền gửi của nhóm khách hàng người dân đã tăng thêm 52.000 tỉ đồng, lên hơn 6,33 triệu tỉ đồng, vượt xa số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022.
So với cuối năm 2022, tỷ lệ tiền gửi của dân tại thời điểm cuối tháng 4 vào ngân hàng tăng gần 8%, tương ứng với 467.086 tỉ đồng. Còn so với cuối tháng 3, tiền tiết kiệm được gửi thêm là 52.028 tỉ đồng.
Tiền gửi từ dân tăng mạnh bất chấp những tháng đầu năm nay lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm. Đáng nói, tiền gửi của dân vào hệ thống ngân hàng duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Con số hơn 6,33 triệu tỉ là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, tiền gửi đến từ nhóm khách hàng tổ chức kinh tế lại sụt giảm. 2 tháng đầu năm, tiền gửi của nhóm này giảm 338.000 tỉ đồng, đến tháng 3 tăng trở lại 48.000 tỉ đồng, song không giữ được đà tăng này. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 4 sụt giảm 8.833 tỉ đồng, xuống còn 5,65 triệu tỉ đồng, giảm 5,02% so với cuối năm 2022.
Cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao lên tới 9 - 10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm. Tuy nhiên, sang đến năm nay, giới ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất 0,5 - 1% ở các kỳ hạn. 4 tháng đầu năm, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm, có ngân hàng giảm tới 2 - 2,5%.
Có thể thấy, tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp chủ yếu do nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp giảm rất mạnh. Việc rút tiền thanh toán các khoản lương thưởng và phục vụ chi tiêu trong cao điểm Tết Nguyên đán có thể là một trong những lý do khiến tiền gửi tại ngân hàng của doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm.
Tình trạng hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, áp lực thanh toán trái phiếu căng thẳng và khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, đầu ra buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất là những yếu tố làm sụt giảm nguồn tiền gửi tại ngân hàng.
Trái ngược lại, dòng tiền gửi từ nhóm khách hàng cá nhân tăng liên tục trong suốt 1 năm qua cũng không gây nhiều bất ngờ khi lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng cao lên mức 9 - 10%/năm giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2023 trước khi giảm về quanh ngưỡng 7 - 8%/năm như hiện nay. Hơn nữa, bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng gửi tiết kiệm trong môi trường lãi suất cao.
Giới chuyên gia cũng cho rằng các quyết định giảm lãi suất điều hành vào cuối tháng 5 của Ngân hàng Nhà nước đã có thêm tác động thúc đẩy hạ lãi suất cho vay đối với cá nhân và tổ chức, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, một lượng lớn tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành đáo hạn tiếp tục giúp cho thanh khoản hệ thống thêm dồi dào, hỗ trợ lãi suất tiếp tục hạ nhiệt.