Vốn được ví là vùng “chảo lửa, túi mưa” nên hầu như năm nào người dân Hà Tĩnh cũng phải đối mặt với bão, lũ, hạn hán... Trong đó, lũ lụt thường xảy ra với cường độ mạnh và gây thiệt hại nặng nề hơn các loại hình thiên tai khác.
Theo ông Bùi Trường Giang, Trưởng phòng quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (PCTT) – Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ đã quen “sống chung với lũ” nên khi thiên tai ập đến hầu như không gây thiệt hại nặng về con người, tài sản.
Nhận thức của bà con trong PCTT đã nâng lên mức “chủ động và quyết liệt” nên mọi diễn biến thời tiết người dân cập nhật rất kịp thời, chủ động chuẩn bị lương thực, nước uống; di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn trước khi mưa lũ ập đến.
Ngược lại, ở các huyện ít xảy ra bão lũ như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh… thường gánh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản khi thiên tai đổ xuống. Nguyên nhân phần lớn do sự chủ quan của chính người dân và sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương.
Còn nhớ, năm 2010, trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh đã cướp đi sinh mạng 30 con người nhưng riêng huyện Can Lộc có đến 10 người tử vong, chủ yếu do người dân đi đánh cá giữa lũ, liều mình vượt qua các đoạn đường bị ngập nước.
Hay năm 2019, mặc dù thiên tai xảy ra không quá ác liệt nhưng vẫn có đến 9 người chết, chủ yếu là do chủ quan.
Những năm gần đây Hà Tĩnh cũng đang tập trung nâng cao năng lực PCTT cho cán bộ cấp xã, thôn và cộng đồng dân cư thông qua các lớp tập huấn (bình quân mỗi năm tập huấn cho 40 lớp, với hơn 5.200 người tham gia); tuyên truyền qua báo, đài, pano, tờ rơi; tích cực tham gia các cuộc thi về PCTT do Trung ương tổ chức…
Mới đây nhất, trận lũ xảy ra hồi tháng 10/2020 ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh cướp đi sinh mạng 6 con người thì có đến 4 người chết do chủ quan, bất cẩn, thiếu kỹ năng ứng phó.
Cụ thể, trường hợp ông N.V.B, ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê bị lũ cuốn trôi khi cố đi qua tràn đập Làng; anh T.V.D., thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc; ông N.P.H., phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh bị lũ cuốn khi đi thả lưới bắt cá; cháu N.V.T. (SN 2012), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên bị ngã chấn thương sọ não khi đi sơ tán tránh lũ.
“Hà bá” cũng nuốt chửng tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng của người dân; trong đó, lĩnh vực giáo dục, y tế thiệt hại nặng nề nhất do có phần chủ quan trong việc di dời tài sản đến nơi cao ráo.
"Chỉ tính riêng huyện Cẩm Xuyên lĩnh vực giáo dục mất hơn 39 tỷ; y tế hơn 31 tỷ đồng; nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên bị lũ cuốn trôi, hư hỏng", ông Giang nói.
Đồng thời thông tin thêm, trong khoảng 5 năm lại nay, số người chết khi đi đánh cá chiếm đến 40% tổng số vụ tử vong do thiên tai.
Do đó, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất người dân cần thấm nhuần chính là tự bảo vệ chính mình trước khi cầu cứu đến cơ quan chức năng.
"Như đợt lũ vừa qua (năm 2020) khi chính quyền đến vận động bà con đi sơ tán rất nhiều người cố thủ tại nhà không chịu di dời, đến nửa đêm, lũ quá lớn, vượt tần suất, bà con chới với kêu cứu khiến việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những lúc gần như bất lực vì nước lũ chảy xiết, không thể tiếp cận được nhà dân", ông Bùi Trường Giang nhớ lại.
Chia sẻ kinh nghiệm hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra, ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nói: "Đầu tiên chính quyền phải chủ động động xây dựng phương án ứng phó trước mùa mưa lũ; đồng thời quán triệt người dân không chủ quan, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người và gia súc trước mùa mưa. Riêng những xã vùng thấp trũng, khuyến khích xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng; nhà tránh lũ kiên cố, di động để "sống chung với lũ"".
Hiện, tỷ lệ xây dựng nhà tránh lũ của Hương Khê đang đứng nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh, do đó, dù xảy ra lũ lớn, nhiều năm lại nay trên địa bàn huyện này gần như không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản cũng không đáng kể.