Theo báo cáo của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng tới 78,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu do giá cả thực phẩm và chi phí vận tải tăng cao, với giá thực phẩm tăng gần gấp đôi và chi phí vận tải tăng 123% trong năm nay. Trong bối cảnh chi phí thực phẩm tăng cao, thay vì đến siêu thị, nhiều người dân địa phương tại đây phải lựa chọn mua sắm ở những chợ đầu mối để có giá cả hàng hóa rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn không thể chi trả được:
“Trước đây, chúng tôi dễ dàng chi trả cho các mặt hàng thiết yếu trong nhà bếp vì có giá nhất định, nhưng hiện nay chúng cao hơn ít nhất 2 lần, thậm chí có khi cao hơn gấp ba lần ở từng khu vực. Như quần áo, đồ dùng nhà bếp và nhu yếu phẩm cá nhân, giá đều rất cao”.
Bên cạnh đó, đồng lira đã mất giá hơn 20% so với USD trong năm nay càng làm hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ, không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng mà còn cả những nhà buôn bán:
“Khó khăn đối với chúng tôi là giá cả tăng thì doanh thu giảm, doanh thu giảm thì chi phí lại càng tăng. Đơn giản là chi phí tăng do giá nhiên liệu tăng. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cần tăng doanh thu nhưng người dân lại mua ít hơn. Bây giờ sức mua đã giảm do giá cả. Họ không mua sắm nhiều như trước nữa nên chúng tôi rất khó khăn”.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động từ lạm phát toàn cầu như các nước khác. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Tayip Erdogan thông báo lương tối thiểu sẽ được nâng thêm 30% kể từ tháng này, sau khi 6 tháng trước đã nâng 50%. Tuy nhiên, động thái này được giới chuyên gia cảnh báo có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy tăng lương - tăng giá nguy hiểm, khiến vấn đề càng trầm trọng. S&P Global Ratings tuần trước dự báo lạm phát tại nước này sẽ duy trì trên 70% trong năm nay, và trên 20% cho đến ít nhất là giữa năm tới./.