Trong khi đó, khu cách ly tập trung quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Một lần nữa người dân lại đối mặt với những ngày gian khó phía trước, bởi các tỉnh đang lúng túng trong việc cách ly tập trung hay không cũng như phòng chống lây nhiễm chéo.
Tiêm 2 mũi vẫn cách ly tập trung
Anh Chau Chanh Tha là công nhân về từ Long An đang cách ly tập trung tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, An Giang) cho biết anh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 nhưng vẫn phải đi cách ly theo quy định của địa phương.
"Ở trên đó đã không có tiền, không có việc làm, sống rất khó khăn nên tôi và vợ chấp nhận về quê. Thế nhưng về đây lại tiếp tục bị cách ly, đêm nào cũng bị muỗi chích. Tôi mong muốn được cách ly ở nhà, có đủ điều kiện hơn. Vì bản thân về quê là muốn về nhà chứ không muốn bị cách ly như hiện nay" - anh Tha nói.
Ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc, An Giang - cho biết toàn TP Châu Đốc có gần 1.000 người về quê. Châu Đốc đã chia làm nhiều điểm tiếp nhận, cách ly người dân về quê. Tất cả mọi người đều được đưa vào cách ly tập trung.
Nếu 7 ngày sau, nhóm tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 hay F0 đã khỏi bệnh cho xét nghiệm lại đều âm tính và không có triệu chứng thì được đưa về cách ly tại nhà để tiếp tục theo dõi theo quy định.
"Khi về cách ly tại nhà sẽ được lực lượng chức năng, đặc biệt là tổ COVID-19 cộng đồng của các phường, xã tiếp tục giám sát, theo dõi sức khỏe chặt chẽ mỗi ngày. Chúng tôi sẽ yêu cầu người cách ly tại nhà có bản cam kết rõ ràng trong việc này" - ông Tuấn nói.
Chia sẻ thêm, một lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết đã có trên 35.000 người từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về quê. Trong số này có nhiều trường hợp đã tiêm vắc xin 1 mũi, 2 mũi và thậm chí là F0 đã khỏi bệnh nhưng đều được đưa đi cách ly tập trung. Dù có rất nhiều bà con bày tỏ mong muốn được cách ly tại nhà để có điều kiện sống tốt hơn nhưng địa phương không duyệt.
Điển hình như tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Châu Phú A, TP Châu Đốc) có khoảng 119 người cách ly tập trung. Trong số này hiện có 10 người đã tiêm vắc xin 2 mũi, 30 người được tiêm 1 mũi, 55 người F0 đã khỏi bệnh, 13 người chưa tiêm vắc xin... và 11 trẻ dưới 18 tuổi.
Theo ông Lê Văn Phước - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong số 35.000 người về quê những ngày qua có 10% người dân được tiêm vắc xin mũi 2 và 20% được tiêm mũi 1. Tương tự, tại Sóc Trăng cũng đã có trên 30.000 người dân về quê bằng xe máy.
Và theo ông Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, qua khám sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 khá cao, chiếm 1% trong tổng số bà con vừa về. Trong khi đó, tỉ lệ người được tiêm vắc xin mũi 2 khá ít, còn người tiêm mũi 1 khoảng 50%.
Lãnh đạo các địa phương này cho rằng chính vì tỉ lệ tiêm vắc xin của dòng người về quê còn thấp và tỉ lệ mắc COVID-19 qua khám sàng lọc còn cao nên chọn phương án để tất cả bà con cách ly tập trung trong những ngày qua. Cũng chính vì thế, không ít khu cách ly tập trung ở các tỉnh đã trở nên quá tải.
Ông Ngô Thanh Toàn - chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) - chia sẻ huyện đang phải tận dụng thêm nhiều trường học để làm khu cách ly tập trung.
Theo ông Toàn, để chuẩn bị đủ nhà vệ sinh cho người dân sử dụng trong các khu cách ly, huyện đã huy động mọi nguồn lực ngày đêm xây thêm. "Nói làm tạm nhưng đảm bảo hợp vệ sinh.
Vật liệu, thiết bị vệ sinh, hình thức thi công rất tiện lợi, hiệu quả và dễ dàng xử lý sau khi hoàn thành cách ly" - ông Toàn nói.
Dè dặt cách ly tại nhà
Khi được hỏi sao không để người dân được cách ly tại nhà sau khi khám sàng lọc, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết đơn vị cũng có kế hoạch hướng dẫn việc cách ly tại nhà đối với những người dân về quê đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và các trường hợp F0 đã khỏi bệnh.
Riêng những người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương.
Sau đó nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày tiếp theo (nếu điều kiện cách ly y tế tại nhà đảm bảo, còn không sẽ ở lại thêm 7 ngày tại khu cách ly tập trung).
"Dù Sở Y tế đã hướng dẫn như vậy nhưng nhiều nơi vùng xanh của tỉnh vẫn chọn giải pháp an toàn là cách ly tập trung. Vì vậy số lượng người bị cách ly ngày càng đông" - vị lãnh đạo Sở Y tế An Giang nói thêm.
Còn tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh - cũng cho hay Đồng Tháp có quy định những người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã là F0 (hoàn thành điều trị) thì thực hiện cách ly y tế tập trung 3 ngày. Sau đó khi xét nghiệm RT-PCR nếu âm tính mới cho về cách ly y tế tại nhà để tiếp tục thực hiện cách ly đủ 14 ngày theo quy định.
Đối với người dân về Đồng Tháp đã tiêm 1 mũi vắc xin, thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, thực hiện xét nghiệm RT-PCR, nếu âm tính thì cho về cách ly y tế tại nhà để tiếp tục thực hiện cách ly đủ 14 ngày theo quy định.
Còn người dân chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì phải cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày theo quy định. "Đồng Tháp sẽ hỗ trợ ăn, uống và xét nghiệm miễn phí cho bà con trong thời gian cách ly. Vì bà con về quê đa số là nghèo, khó khăn nên chúng tôi cố gắng vận động xã hội hóa để hỗ trợ bà con" - ông Bửu khẳng định.
Tương tự, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết khi người dân về quê quá đông, tỉnh phải họp bàn đưa số người tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tiêm 1 mũi đã qua 14 ngày về cách ly tại nhà.
Riêng người dân chưa tiêm mũi nào thì đưa đi cách ly tập trung theo quy định. "Những trường hợp cách ly tại nhà được theo dõi chặt chẽ. Còn người dân cách ly tập trung có khó khăn được tỉnh lo từ A đến Z..." - ông Lâu chia sẻ thêm.
Phân ra rồi lại gom vào
Những ngày qua tại tỉnh Hâu Giang cũng có hơn 9.000 người về quê. Tỉnh đã lập chốt ngay cửa ngõ để kiểm tra và phân loại bà con thành nhiều nhóm như đã khỏi bệnh, tiêm 2 mũi vắc xin hay 1 mũi và chưa tiêm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang - cho biết khi bà con về quê sẽ được xét nghiệm nhanh, phân luồng người nào điều trị COVID-19 đã khỏi bệnh thì cho về nhà.
Riêng người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc chưa tiêm cũng đều được đưa đi cách ly tập trung 7 ngày. "Tỉnh đã kích hoạt lại các khu cách ly với khoảng 10.000 chỗ và sẽ mở rộng thêm ở các điểm trường, khi nào quá tải mới tính đến cách ly người tiêm 2 mũi tại nhà" - ông Tùng cho hay.
LÊ DÂN
Đi 4 người, về còn 3
Chiều 5-10, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho biết đã có hơn 17.000 người dân trở về địa phương.
Ông Nguyễn Chí Thiện - chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi - cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chóng dịch COVID-19 tỉnh, đối với người dân đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin về từ vùng không có dịch thì được cách ly tại nhà.
Ông Ngô Hoàng Tuấn (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) vừa từ TP.HCM trở về quê. Ông Tuấn nói: "Khi lên thành phố, gia đình có 4 người gồm: 2 vợ chồng và 2 đứa con.
Vừa qua, không may vợ tôi mắc COVID-19, đưa vào Bệnh viện dã chiến số 2 ở TP.HCM điều trị được 9 ngày thì mất. Những ngày dịch bệnh, kẹt lại trên đó 3 cha con rất khổ. Chuyến trở về lần này gia đình vắng 1 người. Dù cuộc sống sắp tới sẽ rất khó khăn nhưng về được quê cũng mừng...".
NGUYỄN HÙNG
Lo ngại lây nhiễm chéo trong khu cách ly
"Đưa người dân vào khu cách ly tập trung thì phải đảm bảo các điều kiện như phòng ở đủ diện tích để người đến cách ly đảm bảo giãn cách, có khu vệ sinh riêng… Nếu ở theo hình thức "xôi đỗ", tức là có F0 trong phòng thì dịch sẽ lây lan nhanh…".
Đó là cảnh báo của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ông Phu cũng chia sẻ những ngày vừa qua ông theo dõi sát tình hình người dân di chuyển từ TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai về các tỉnh Tây Nam Bộ.
Ông Phu cho biết trong đợt dịch ở Hải Dương từng có nhiều bệnh nhân lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, bởi phòng ở không đảm bảo giãn cách và dùng khu vệ sinh chung. Nhưng đợt dịch Hải Dương chủng virus lây lan là chủng Alpha (xuất hiện lần đầu ở Anh) có tốc độ lây lan không bằng chủng Delta đợt dịch này.
Nguyên tắc chung nếu bệnh nhân gia tăng nhiều thì số bệnh nhân nặng cũng gia tăng nhanh theo (tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng đợt dịch này là trên 10%), trong khi Tây Nam Bộ rất thiếu bác sĩ hồi sức tích cực. Mặt khác, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL cũng chưa có thiết bị ECMO và chưa sử dụng được ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo, sử dụng cho bệnh nhân nặng), có thể gặp khó khi số ca bệnh nặng tăng.
Một chuyên gia từng tăng cường phòng chống dịch cho tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tháng 7 - 8 cũng chia sẻ số lượng máy thở đã có thể đáp ứng số lượng bệnh nhân thời gian vừa qua. Thế nhưng nếu số bệnh nhân tăng cao hơn thì tỉnh này sẽ gặp khó khăn ngay.
Chính vì những lý do này, ông Phu đề xuất nếu nhà ở của người dân địa phương khi về quê có đủ điều kiện thì có thể sắp xếp cho bà con cách ly tại nhà. Trường hợp không có nhà ở hoặc nhà ở không đủ điều kiện mới tổ chức cách ly tập trung. Nhưng nguyên tắc là cách ly tập trung thì sắp xếp để không lây lan trong khu cách ly, còn cách ly tại nhà thì không lây lan ra cộng đồng.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết trước đây đã có hướng dẫn cụ thể về trường hợp cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Trong tình huống hiện nay tại các tỉnh Tây Nam Bộ, Cục Quản lý môi trường y tế đã xây dựng hướng dẫn để cập nhật.
Tuy nhiên vị lãnh đạo này lại chưa trả lời về tình huống cụ thể hiện nay, khi mỗi ngày có nhiều ngàn người cùng từ khu vực nguy cơ cao về quê thì nên cách ly theo hình thức nào là hợp lý để tránh lây lan dịch trở lại các tỉnh Tây Nam Bộ.
Còn theo ông Đỗ Xuân Tuyên - thứ trưởng Bộ Y tế, khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ cũng nằm trong nhóm được ưu tiên về vắc xin và đang đẩy nhanh tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương tiêm chủng nhanh do tháng 10 này vắc xin sẽ về nhiều. Trong lúc này việc cần làm ngay của các tỉnh Tây Nam Bộ là tiêm chủng thật nhanh, để có thể đủ "sức khỏe" đương đầu với nguy cơ dịch xâm nhập.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra tình hình cách ly
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-10, một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang đi kiểm tra thực tế về tình hình cách ly phòng chống dịch tại các tỉnh Tây Nam Bộ, trong đó có Trà Vinh và Kiên Giang.
Vị lãnh đạo Bộ Y tế này cho rằng lượng người trở về các tỉnh rất đông trong những ngày vừa qua và dự báo có khả năng tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới.
Trong khi đó công tác triển khai phòng dịch ban đầu của các tỉnh này chưa thật sự có được sự chủ động. Chính vì vậy, trước mắt, Bộ Y tế đang khẩn trương kiểm tra và phối hợp với các tỉnh để đưa ra các giải pháp giải quyết phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện nay.
"Cách thức thực hiện ở các tỉnh hiện không giống nhau, có tỉnh cho cách ly ở nhà, có tỉnh cách ly tập trung. Và dù tập trung hay ở nhà, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phải thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ", đại diện Bộ Y tế nói.
Về "lối ra" cho các tỉnh, theo vị lãnh đạo Bộ Y tế, nếu cách ly tập trung, các tỉnh phải triển khai xét nghiệm thật kỹ. Còn nếu để bà con cách ly tại nhà, các tỉnh phải đảm bảo nơi cách ly phù hợp, phải thật sự an toàn. Nhà có người cách ly cũng phải cách ly với cộng đồng để đảm bảo không lây lan dịch ra cộng đồng.