Ngay sau khi có đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc nghỉ gộp dịp lễ 30/4, mùng 1/5 năm nay, nhiều người lao động "thấp thỏm" chờ phương án nghỉ lễ để sớm sắp xếp các kế hoạch cá nhân, gia đình.
Là lao động xa quê, anh Trần Minh Đức (Bình Thuận) hiện đang làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, bản thân anh rất mong có thể làm bù vào cuối tuần khác để được nghỉ gộp dài ngày dịp nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5 sắp tới.
"Đi làm xa quê, trừ dịp nghỉ Tết Nguyên đán 1 tuần lễ, trong năm thường cũng chỉ có dịp 30/4, mùng 1/5 hay mùng 2/9 có thể được nghỉ dài nếu trùng vào cuối tuần. Vì khoảng cách địa lý khá xa, công ty lại làm việc cả thứ 7, nên hầu như tôi rất ít khi có dịp về quê. Ban đầu tôi cũng tính phương án sẽ xin nghỉ phép thêm ngày thứ 2 để có 4 ngày nghỉ tiện về quê. Nhưng thực tế người lao động nào làm việc xa quê cũng muốn xin nghỉ như vậy, công ty sẽ rất khó khăn trong sắp xếp công việc. Nếu được nghỉ và làm bù sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Việc được nghỉ lễ dài cũng giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần làm việc cho những tháng tiếp theo", anh Đức cho biết.
Chị Nguyễn Minh Ánh (Nghệ An) đang làm việc tại Hà Nội cho biết, đến giờ gia đình chị vẫn mong ngóng lịch nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5 năm nay để đặt xe về quê thăm gia đình. Gia đình chị Ánh có 2 vợ chồng đều đi làm ngày thứ 7 và các con học bậc tiểu học, THCS, nếu không được hoán đổi ngày nghỉ, vợ chồng chị Ánh có thể xin nghỉ phép để kỳ nghỉ dài hơn, nhưng các con chị lại không thể xin nghỉ học để về quê cùng bố mẹ.
Ủng hộ phương án làm bù để được nghỉ liền 4- 5 ngày trong dịp lễ 30/4 sắp tới, chị Ánh hy vọng sẽ sớm có thông báo "chốt" lịch nghỉ để người dân chủ động sắp xếp công việc, lịch trình.
Về phương án nghỉ lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sau khi nhận được công văn xin ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành lấy ý kiến qua mạng xã hội đối với 3.590 cán bộ công đoàn và người lao động. Qua đó, có 3.129 lượt bình chọn hoán đổi (87%); 302 lượt bình chọn phương án không hoán đổi (8%); còn lại là các đề xuất khác.
Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ nhất trí với dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH gửi Chính phủ đề xuất về việc bố trí hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4) và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc bố trí hoán đổi ngày làm việc sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 4 đến 5 ngày liên tục, có điều kiện giải trí, nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động để làm việc tốt hơn. Việc này cũng góp phần giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quan điểm của doanh nghiệp là nhất trí với đề xuất, để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, dù việc hoán đổi ngày nghỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Bởi doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh, và việc phân công ca kíp để đảm bảo việc làm.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra đề xuất trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng nữa là đến dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 về cơ bản cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sắp xếp. Bởi thông thường doanh nghiệp đã lên các kế hoạch sản xuất kinh doanh từ trước, cũng như bố trí sẵn lực lượng lao động.
"Nhìn chung phía doanh nghiệp sản xuất ít nhiều có sự đảo lộn trong bố trí phương án sản xuất, song trong bối cảnh hiện tại cũng phải chấp nhận', ông Phòng nói.
Tuy nhiên ông Phòng cũng cho rằng, ở một khía cạnh khác, với những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đây có thể là cơ hội để tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu phục vụ khách hàng trong dịp này.
Đến nay nhiều Bộ, ngành đã gửi ý kiến góp ý về Bộ LĐ-TB-XH, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, sau khi có đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, tham mưu lãnh đạo bộ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội.