Theo kênh truyền hình RT, những người sống tại thị trấn khai thác mỏ của Nga ở Quần đảo Sbalbard, Bắc Cực đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn sau khi giới chức Na Uy thu giữ 20 tấn nhu yếu phẩm tại cảng Storskog. Bộ Ngoại giao Na Uy ngày 28/6 thừa nhận đơn xin miễn trừ nhân đạo của Nga đối với các lô hàng đã bị từ chối.
Trước đó, Đại sứ quán Nga và công ty khai thác mỏ Arktikugol đã nộp đơn xin miễn trừ đối với các lô hàng này song đơn đã bị khước từ vào ngày 15/6.
Arktikugol là đơn vị điều hành thị trấn mỏ Barentsburg. Phần lớn người dân sinh sống tại đây là công dân Nga. Quần đảo Sbalbard, nằm giữa nửa vòng Bắc Cực và cực Bắc, với chưa đến 3.000 dân, thuộc quyền tài phán của Na Uy trong khoảng một thế kỷ trở lại đây.
Mặc dù người dân mang quốc tịch Nga nhưng luật ở Barentsburg tuân thủ theo luật pháp của Na Uy. Chính vì vậy, những lô hàng được đưa tới Quần đảo Sbalbard đều bị coi là mục tiêu trừng phạt của EU nhằm vào Moskva.
Người dân Barentsburg phụ thuộc vào một con tàu chở hàng nhu yếu phẩm duy nhất cứ 10 ngày một lần khởi hành từ Tromsø. Sau khi được xe tải vận chuyển từ Murmansk, hàng nhu yếu phẩm của Nga được chất lên tàu. Na Uy đã giữ những lô hàng này ngay tại biên giới Storskog tiếp giáp với Nga.
Trong bức thư gửi đến các nhà chức trách Na Uy vào tháng trước, công ty Arktikugol đã bày tỏ nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Barentsburg nếu như hàng hoá không được đưa tới. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc gia Na Uy (NRK), Tổng lãnh sự Nga Sergey Gushchin cho hay hoa quả, rau củ, bột mì và sữa đã cạn kiệt song tình hình hiện tại vẫn được cho là “ổn định”. Tuy nhiên, các phụ tùng, thiết bị y tế và kỹ thuật hiện vẫn còn mắc kẹt ở biên giới.
“Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng không ai bị tổn hại miễn là Na Uy vẫn toàn quyền kiểm soát quần đảo”, Thống đốc Svalbard Lars Fause nói thêm rằng chính phủ đang “tiếp tục đối thoại” với công ty Arktikugol.
Svalbard từng là tâm điểm căng thẳng ngoại giao giữa Moskva và Oslo, khi Na Uy thắt chặt các quy định nhập cảnh vào năm 2015 theo lệnh trừng phạt của EU liên quan đến EU sau chuyến thăm của một quan chức cấp cao Nga. Nga đã lên tiếng phản đối, cho rằng hành vi như vậy vi phạm hiệp ước năm 1920 thiết lập quyền cai trị của Na Uy đối với quần đảo.