Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động đảm bảo cuộc sống khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản.
Cùng với đó, người lao động có thêm thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe. Mức hưởng lương hưu cũng định kỳ được điều chỉnh tăng theo Chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, để bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu. Do đó, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá, điều này giúp trang trải những chi phí đảm bảo cuộc sống.
Tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024 có nêu nội dung: “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII… điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”.
Tại khoản 11 Mục III Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH có nêu: “Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.
Tại Điều 57 Luật BHXH năm 2024 quy định: Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, lương hưu sẽ được điều chỉnh từ 1/7, cùng với cải cách tiền lương. Song, việc điều chỉnh cụ thể ra sao cần chờ văn bản quy định của các cơ quan liên quan.
Mới đây, Bộ LĐTBXH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu từ 1/7, phân chia thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, lương hưu được điều chỉnh không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Nhóm thứ hai là những người hưởng lương ngân sách mà nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Bộ này cho rằng, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt để tăng lương hưu lên cao hơn các đối tượng khác.