Đây là tỉ lệ khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Tại các nước phát triển, tỉ lệ này chỉ 14%, còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là khoảng 20%. "Chi tiền túi cao khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa hoặc tái nghèo sau khi điều trị. Mục tiêu của Việt Nam là giảm tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, song đây là thách thức rất lớn" - ông Khảm nói.
Người Việt chi tiền túi cho y tế cao gấp đôi khuyến cáo - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K trung ương

Theo đại diện Bộ Y tế, để giảm chi tiền túi, người dân phải tăng mức đóng để mở rộng phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước… cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình. Trong năm 2021, Việt Nam chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, hiện phí đóng vẫn là 4,5% lương cơ sở.

 

Bà Nguyễn Kim Phương, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, nhận định so với các nước tiên tiến, mức chi tiêu cho y tế từ tiền túi của người dân Việt Nam đang ở mức rất cao. Theo bà Phương, khi khoản chi cho y tế từ tiền túi của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đó là "chi phí y tế mang tính thảm họa".

Hiện số người tham gia BHYT ở nước ta là 86,5 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ 88,65% dân số). Mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương 1,1 triệu đồng). Ông Lê Văn Khảm cho biết Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số hoạt động khám sàng lọc như bệnh đái tháo đường, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và một số bệnh ung thư nếu can thiệp sớm cho hiệu quả cao.