Nhanh chong khac phuc hau qua thien tai do hoan luu bao so 3 gay ra hinh anh 1Mưa lớn tại thành phố Hạ Long, nhiều khu vực cống thoát nước cuộn thành xoáy nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại các địa phương, tính đến 8 giờ ngày 26/8, hoàn lưu bão số 3 đã làm ngập cục bộ tại một số nơi, sạt lở cục bộ 10 điểm, khoảng 50 cây xanh trên một số tuyến phố của thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị gãy đổ.

Tại thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), hơn 120 cây xanh bị gẫy đổ trên các tuyến phố; khoảng 14ha lúa, màu bị ngập; ngập cục bộ khu vực Hải Hòa.

Hoàn lưu bão số 3 đã gây ngập cục bộ một số tuyến phố tại quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, mưa to do, hiện nước đang rút dần.

Trên địa bàn làng Đê-sơ, xã Ia Me huyện Chư Prông (Gia Lai), mưa to và dông sét đã làm 2 người chết do bị sét đánh. 

Đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do hoàn lưu bão số 3, hiện chính quyền các địa phương đang tiếp tục rà soát tình hình, tổ chức khắc phục hậu quả mưa bão, thông cống rãnh để nước thoát nhanh, đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục các điểm sạt lở, tránh ách tắc giao thông...

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới và khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 3 gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động ứng phó bão và gió mạnh, trong đó tập trung vào việc triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

Các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Các địa phương sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra./.

 

Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)