Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trước đó như cấm toàn diện việc xuất khẩu, không cho phép các tàu có quốc tịch Triều Tiên hoặc có lịch trình cập cảng Triều Tiên vào cảng Nhật Bản, đồng thời sẽ duy trì gây áp lực nếu nước này không cụ thể hóa tiến trình phi hạt nhân hóa và từ bỏ tên lửa đạn đạo, không giải quyết việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định, để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, ông sẵn sàng hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không kèm theo điều kiện nào. Tuy nhiên, cho đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực hiện các biện pháp cấm nhập khẩu và không cho phép tàu thuyền Triều Tiên cập cảng Nhật Bản từ năm 2006. Năm 2009 áp dụng thêm biện pháp cấm xuất khẩu.
Nhật Bản coi trọng việc tăng cường hợp tác với một số nước liên quan, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Riêng với Mỹ, Nhật Bản đã thống nhất với nước này nguyên tắc cơ bản của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là thúc đẩy Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, khẳng định tầm quan trọng của liên minh ba nước Hàn-Mỹ-Nhật trong đối phó với kế hoạch phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Có một số chuyên gia lại cho rằng trong khi Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên thì Hàn Quốc vẫn hy vọng cải thiện quan hệ với Triều Tiên hơn là theo đuổi phi hạt nhân hóa thông qua việc theo đuổi chính sách đối thoại với Bình Nhưỡng.
Như vậy, ngoài việc thực hiện chính sách của mình, Nhật Bản cần thúc đẩy sự thống nhất chung giữa các bên liên quan trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên./.