Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo vừa phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân mắc COVID-19 đang sống tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc nước này.
Biến thể phụ mới được phát hiện thông qua quá trình phân tích gene của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID). Biến thể này là sự kết hợp giữa các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, nhưng lại khác với biến thể phụ XE.
Theo chính quyền chính quyền Sendai, bệnh nhân nhiễm biến thể phụ mới này đã được phát hiện mắc COVID-19 vào cuối tháng 3. Người bệnh không bị ốm nặng và đã hồi phục. Hai tuần trước khi có các triệu chứng mắc COVID-19, bệnh nhân này không ra nước ngoài. Người ta không phát hiện thấy biến thể này ở những người mà bệnh nhân có tiếp xúc gần.
Cho đến nay, giới chức Nhật Bản vẫn chưa nắm rõ các đặc tính của biến thể phụ này, bao gồm cả độc lực và khả năng lây lan. Tuy nhiên, các quan chức của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) cho rằng sự tái tổ hợp gene có thể đã xảy ra khi một người nhiễm cả biến thể phụ BA.1 lẫn BA.2 bởi vì BA.2 đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản.
NIID đang nghiên cứu sâu hơn về biến thể phụ này, đồng thời kiểm tra xem liệu có địa phương nào khác phát hiện ra biến thể tương tự hay không.
Cơ quan y tế bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 29/4 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 của Omicron tại bang này, là một người vừa từ Nam Phi trở về.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 đang tiếp tục gia tăng tại NSW. Bang đã ghi nhận 11.903 ca mắc mới và 7 ca tử vong mới vào ngày 29/4. Trong số 1.645 ca đang phải điều trị trong bệnh viện, có 68 ca điều trị tích cực.
Theo ông James Wood, tại Đại học Y tế cộng đồng và dược phẩm của Đại học New South Wales, dường như hàng nghìn người Australia đã tái nhiễm sau khi các biến thể kết hợp với nhau. Ông dự báo: "Chúng ta sẽ chứng kiến những biến thể dòng phụ mới, khiến số ca nhiễm tăng tại Australia trong vài tháng tới."
Trong khi đó, từ ngày 29/4, bang Tây Australia (WA) đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trừ tại các nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nơi chăm sóc người cao tuổi, sân bay và trên phương tiện giao thông công cộng. Các giới hạn về số người đến các địa điểm cũng được dỡ bỏ.
Người có tiếp xúc gần với bệnh nhân và không có triệu chứng sẽ không buộc phải cách ly 7 ngày. Yêu cầu về tiêm phòng đối với người đi lại liên bang cũng được dỡ bỏ, song khách quốc tế vẫn phải có chứng nhận tiêm đủ vaccine cơ bản theo quy định khi nhập cảnh./.