Sáng 15/12, Thành ủy Hà Nội phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, quận huyện, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, dân chủ ở cơ sở là hình thức dân chủ trực tiếp, cùng với dân chủ đại diện hợp thành tổng thể nền dân chủ XHCN ở nước ta.
Thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở bao hàm rất nhiều nội dung và bằng nhiều hình thức, trong đó thể hiện tập trung nhất ở việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thực chất của việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Điểm lại những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành quả đó chính là kết quả thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được nâng lên.
Theo GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, dân chủ chính là thực hiện mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền và lợi ích, lợi ích càng nhiều bao nhiêu thì quyền và nghĩa vụ phải tương xứng nhiều bấy nhiêu.
Mối quan hệ giữa dân chủ thể hiện rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, trong hoạt động trực tiếp hàng ngày là quan hệ giữa công chức trong việc tiếp công dân.
Đặc biệt, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; Thực hành dân chủ rộng rãi chính là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, thực hiện mọi nhiệm vụ.
“Đây là những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân chủ, chúng ta cần hết sức vận dụng trong thực tiễn” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Dân chủ là phương thức chủ yếu để chống quan liêu, tham nhũng
Nhắc lại một số vụ việc cán bộ bị kỷ luật trong thời gian qua, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, trong các vụ này đều có một điểm giống nhau là vi phạm tập trung dân chủ. Đây cũng là điểm cần chú ý để tìm cách giải quyết.
Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, trong tập trung dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: dân chủ tập trung, dân chủ là mục đích, tập trung là điều kiện và phương tiện. Tập trung trên cơ sở dân chủ và dân chủ gắn liền với tập trung mà cụ thể hóa thành “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Người cũng từng nói: Phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để xây dựng chính quyền Nhà nước, xây dựng các tổ chức đoàn thể của nhân dân; Dân phải giúp cán bộ thực hiện chữ liêm...
“Nhắc lại những điều này chúng ta càng thấy rõ tính thời sự của việc phát huy quyền làm chủ của dân, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực để giúp cán bộ, giúp tổ chức, bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh và thực hiện cho đúng các chuẩn mực: cần, kiệm, liêm, chính” - GS Hoàng Chí Bảo đồng thời nhấn mạnh, dân chủ không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là điều kiện, phương thức, là con đường tất yếu để chống quan liêu, tham nhũng.
Trả lời câu hỏi “làm thế nào để phát huy dân chủ, thực hành dân chủ”, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, vấn đề củng cố cơ sở, xây dựng cho được chính quyền cơ sở phát triển tốt đẹp, chống tiêu cực, tệ nạn từ cơ sở thì sẽ tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển chung của cả xã hội. Bên cạnh đó, vừa kết hợp dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, đặc biệt là phát huy yếu tố tích cực của hiệp thương dân chủ qua hoạt động của MTTQ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Cùng bàn nội dung này, ông Nguyễn Chí Hiếu – Trưởng Ban Xây dựng Đảng (Tạp chí Cộng sản) nhấn mạnh, qua thực tiễn cho thấy, nơi nào quy chế dân chủ cơ sở được công khai, minh bạch, thực hiện tốt thì nơi đó sẽ phát triển, nhân dân phấn khởi, tin tưởng, sẵn sàng ủng hộ mọi quyết sách, chủ trương của chính quyền địa phương. Ngược lại, nơi nào thực hiện quy chế dân chủ không nghiêm, không công khai, minh bạch, né tránh thì nơi đó sẽ rối ren, nhân dân bức xúc, tình trạng khiếu kiện kéo dài, Đảng bộ và chính quyền sẽ không nhận được sự ủng hộ của nhân dân và sự đoàn kết của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
“Qua thực tiễn cho thấy, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là phương thức quan trọng, là thước đo năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ cơ sở. Trình độ của cán bộ sẽ thể hiện rõ nhất trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt qua những lần tiếp xúc, ứng xử với nhân dân, có nắm bắt được, giải quyết được các nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân hay không" - ông Nguyễn Chí Hiếu cho biết.
Theo Trưởng Ban Xây dựng Đảng, để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra chính là nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp, trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời kiểm tra thường xuyên và liên tục, cả định kỳ và đột xuất ở mọi nơi, mọi cấp nhằm bảo đảm Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện một cách tốt nhất..."Bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền, cũng phải xử lý cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo quản lý có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật đảng, đặc biệt là vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở".
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra; chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Đồng thời tập trung phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm và những giải pháp đồng bộ, khả thi để phát huy dân chủ, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới./.