Nhiều nơi giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình cả nước29/12/2024 - 07:33:00 Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết tháng 12.2024, giải ngân đầu tư công của cả nước ước đạt trên 529,6 nghìn tỷ đồng, bằng 77,55% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2023; đến nay vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân trên 51% Kết thúc tháng 11, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt 52,72% kế hoạch và đạt 58,2% kế hoạch Thủ tướng giao. Đến hết tháng 12, tỷ lệ này dự kiến tăng lên mức 77,5% trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng giao. Đáng chú ý, ước giải ngân vốn ngân sách trung ương cao hơn cùng kỳ năm 2023, còn giải ngân vốn ngân sách địa phương chỉ đạt thấp hơn. Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến nay còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% hoặc rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hà Nội (10,31%), Bộ Y tế (15,43%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (17,78%)… Một số địa phương giải ngân dưới 50% như Kon Tum (41,45%), Kiên Giang (41,8%), Bình Phước (49,82%). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng phủ giao cho cả nước. Tuy nhiên, thành phố hiện mới giải ngân trên 51% và điều này ảnh hưởng nhiều tới kết quả giải ngân chung của cả nước. Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân hết sức tích cực. Ví dụ: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Trung ương Đảng (93,65%), Đài tiếng nói Việt Nam (88,34%), Ngân hàng Nhà nước (84,83%), Bộ Giao thông Vận tải (83,3%), Bộ Công an (81,88%); Bắc Kạn (91,32%), Bình Định (91,19%), Nghệ An (90,59%), Vĩnh Phúc (90,54%), Hòa Bình (89,47%), Hà Nam (89,25%). Nguồn thu từ đất chưa đạt dự toán ảnh hưởng đến giải ngân Về những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án, Bộ Tài chính cho biết một số vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... Những thách thức này cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính lưu ý. Với giải ngân vốn ngân sách địa phương, các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa bảo đảm so với dự toán được giao, dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này. Cụ thể, đến ngày 19.12, số tiền thu sử dụng đất của 63 địa phương chỉ đạt 91,13% so với dự toán được giao (206.256,6 tỷ đồng/226.333,2 tỷ đồng). Trong đó, còn 24 địa phương có tỷ lệ thu tiền sử dụng đất dưới 70%, trong đó có 11 địa phương có tỷ lệ thu dưới 50% so với dự toán. Đối với địa phương có kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng giải ngân còn thấp như TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh vướng mắc chung về cơ chế, chính sách, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch thì sự chậm trễ chủ yếu do gặp khó khăn trong việc phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài. Cùng với đó là một số nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành trung ương đang phối hợp tháo gỡ chưa giải ngân được. Dự án Đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang hoàn thiện thủ tục để giải ngân nên cũng chưa thể đóng góp vào kết quả giải ngân chung của TP. Hồ Chí Minh. Giải ngân đầu tư công chậm là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua. Theo các đại biểu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án. Đây chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính của xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết. Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đánh giá, làm rõ các hạn chế này cũng như các nguyên nhân để năm 2025 và các năm tiếp theo nền kinh tế có thể bứt phá lên. Theo Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|