Nhiều yếu tố thuận lợi cho dệt may Việt Nam cải thiện đơn hàng23/11/2024 - 08:27:00 Các yếu tố về thiên tai, bất ổn chính trị, bất cập về chính sách ở một số quốc gia cạnh tranh tiếp tục là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam đón đơn hàng dịch chuyển trong năm tới.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 có sự phục hồi mạnh, ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023 khi có sự chuyển dịch lớn đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Bên cạnh đó, tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác. Với những yếu tố này cùng những dự báo khả quan khác, ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025. Hiện tại nhiều DN, đơn hàng may mặc đã có đến quý I, quý II/2025 và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm, song nhìn chung đơn giá vẫn ở mức thấp, chưa được cải thiện đáng kể. Trong khi vẫn còn nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe hơn từ nhà mua hàng tại thị trường EU, Mỹ hay xu thế phát triển xanh, bền vững, số hoá... Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) - ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, thời điểm hiện tại phần lớn các đối tác, khách hàng mới đặt hàng đến hết tháng 1/2025. Các đối tác đang nghe ngóng tín hiệu thị trường, đặc biệt là chính sách áp thuế nhập khẩu dệt may của Mỹ, từ đó mới có phương án đặt hàng tiếp. “Để tăng đơn hàng trong thời gian tới, Hugaco và các DN dệt may cần có phương án phát triển, mở rộng thị trường mới tại các khu vực Trung Đông, Nam Mỹ,… Đồng thời, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị tự động, tăng cường chuyển đổi số, tiến tới xanh hóa dệt may, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam có sự cải thiện, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, nhu cầu tiêu dùng, cùng sự bất ổn chính trị của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar... các DN dệt may Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi, khi nhiều DN may đang có các đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III/2025. “Dự kiến, các đơn hàng dệt may sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Với các yếu tố thuận lợi như vậy, ngành dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và khẳng định, tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới”, ông Trường cho biết. Trước bối cảnh kinh tế thế giới và thực tế thị trường, trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, Chủ tịch Vinatex cũng cho biết, đã đưa ra định hướng cho các đơn vị với các yếu tố đầu vào cụ thể như lao động - tiền lương, tỷ giá - lãi suất, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may Việt Nam… Đến nay, sản phẩm dệt may Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường cũng như đa dạng hoá được đối tượng khách hàng và mặt hàng. Các yếu tố về thiên tai, bất ổn chính trị, bất cập về chính sách ở một số quốc gia cạnh tranh tiếp tục là cơ hội cho DN dệt may Việt Nam đón đơn hàng dịch chuyển. Cùng với các yếu tố về mùa vụ, lễ hội và dịp cuối năm, các chính sách giảm giá, kích thích tiêu dùng của các hãng cũng sẽ mang tới mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp hơn. Mặt khác, giá cước vận tải biển tiếp tục có xu hướng giảm sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho các DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng, ngành dệt may vẫn còn đứng trước nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, đòi hỏi các DN cần tập trung đầu tư công nghệ để thích ứng, đón nhận các cơ hội mới. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù đạt nhiều kết quả khả quan trong năm 2024, ngành dệt may trong nước vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP. Đơn cử, so với Bangladesh, Việt Nam có chi phí lao động cao hơn và áp lực về các khoản bảo hiểm xã hội, y tế. Bangladesh được hưởng ưu đãi thuế quan do là nước kém phát triển, trong khi Việt Nam phải thực hiện đồng bộ các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025, Chủ tịch VITAS đưa ra những cơ sở chính, bao gồm những cơ hội từ quá trình chuyển dịch đơn hàng vào Việt Nam trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu không tăng. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may của Chính phủ đặt ra với quyết tâm đưa Thương hiệu Dệt may Việt Nam ra thế giới, điều này đang là động lực lớn nhất thúc đẩy tầm nhìn của ngành dệt may năm 2025 - 2030 phát triển vượt bậc kể cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Theo VOV
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|