Với một tinh thần như thế, Hà Nội bước vào giai đoạn phong tỏa toàn xã hội dài nhất từ trước đến nay, bắt đầu từ 06h00 ngày 24/7. Theo đó, dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.
Hà Nội thành lập 22 điểm chốt cửa ngõ của thành phố để khóa chặt người ra vào. Mở 6 làn đường “luồng xanh” dành riêng cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thông suốt 24/24 giờ. Công an thành phố thiết lập 80 điểm kiểm soát người đi lại. Hàng ngàn điểm chốt tại 300 xã, phường, thị trấn, khu dân cư mau chóng được hình thành.
Lần đầu tiên, bản đồ dịch Hà Nội được phân vùng theo màu. Màu xanh là khu vực an toàn. Màu da cam là vùng có nguy cơ. Màu đỏ là những nơi có các ca F0. Bằng cách này, chính quyền xác định mức độ phòng chống dịch.
Nhiều người gọi Hà Nội những ngày này là Hà Nội thời giăng dây. Dải phân cách mềm này đã trở thành ranh giới cứng trong tổ chức xã hội thành phố trong suốt 1 tháng “phong thành”.
Những ngày đầu thực hiện giãn cách, vẫn còn nhiều người dân ra đường, các chợ cóc, chợ tạm vẫn hoạt động lén lút… Tuy nhiên, sau nhiều lần quán triệt, chỉ đạo, quy trách nhiệm người đứng đầu, việc kiểm soát đi lại của người dân đã được siết chặt. Gần 1.200 trường hợp bị xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch là con số cho thấy phần nào sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong lần giãn cách này.
Lần đầu tiên Hà nội triển khai hình thức phát phiếu đi chợ. Chính quyền khuyến khích tiêu dùng online, cấp thẻ cho những nhân viên vận chuyển hàng hóa. Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần đối với những đối tượng bị tác động của Covid-19. Một số hoạt động từ thiện cũng đã mang đến cho người nghèo sự bù đắp quý báu khi dịch bệnh khó khăn.
Trong vòng 10 ngày, từ ngày 9/8 đến 17/8, một chiến lược xét nghiệm lớn nhất từ trước tới nay đã được triển khai tại 30 quận, huyện, thị xã là các khu vực có nguy cơ cao.
Thành phố đặt mục tiêu thực hiện trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, trên nguyên tắc nhanh nhưng phải đảm bảo chính xác, an toàn.
Để đáp ứng được số lượng xét nghiệm lớn như vậy, Hà Nội đã huy động sự tham gia của lực lượng sinh viên trường Cao đẳng y tế Hà Đông và Hà Nội cùng với đó là 21 đơn vị y tế tư nhân ngoài công lập.
Toàn thành phố đã lấy hơn 300.000 mẫu, đã bóc tách được hơn 29 F0 ra khỏi cộng đồng và đang tiếp tục lấy tiếp đợt 2, đợt 3, phấn đấu để “nhận diện” hết F0 trong cộng đồng, đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.
Cùng với mũi “tiến công” số 1 là sàng lọc nhanh trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, Hà Nội tiến hành song song nhiệm vụ thứ 2. Đó là triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 trên quy mô lớn với mục tiêu trên 5,1 triệu người từ 18 - 65 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Ông Chu Ngọc Anh – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đặt ra yêu cầu công tác tiêm chủng phải được thực hiện sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất.
Toàn bộ các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn TP. Hà Nội đã nỗ lực xây dựng kế hoạch tiêm chủng theo đúng tiến độ và mục tiêu đề ra; triển khai được 1.200 dây chuyền tại hơn 820 điểm tiêm chủng tại 579 xã, phường, thị trấn với công suất 200.000 liều vaccine mỗi/ngày.
Quận Đống Đa là 1 trong những điểm nóng về dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội. Thời điểm đầu quận chỉ có 21 dây truyền tiêm nhưng chỉ sau 2 tuần khẩn trương chuẩn bị, đã xây dựng được 54 dây truyền tiêm, đồng thời huy động lực lượng y tế đáp ứng đủ chỉ tiêu tiêm 9.000 liều/ngày trên toàn quận.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 20/8, Thành phố đã nhận 1.919.500 liều vaccine các loại và đã tiêm được 1.819.221 liều (1.720.233 mũi 1; 99.366 mũi 2) cho 1.720.233 người (20,9% dân số) và bằng 28% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng.
Mới đây, tại buổi làm việc với TP. Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các biện pháp chống dịch của Hà Nội, trong đó có hoạt động khẩn trương tiêm hết số vaccine được cấp cho nhân dân
Hà Nội tuy giữ được thế chủ động, song theo đánh giá của lãnh đạo thành phố và các chuyên gia, nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn rất cao. Hà Nội vẫn liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng. Dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.
Trong buổi làm việc với TP. Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Hà Nội cần áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn, quan tâm đến hiệu quả của “5 trụ cột” trong phòng chống dịch gồm: giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vaccine và công nghệ để có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, để Hà Nội có thể kiểm soát được dịch bệnh thì cần tiếp tục triển khai 3 biện pháp chính:
Xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt. Đây là điều quan trọng số một để "cách ly" người nhiễm virus với người bình thường do vẫn còn ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.
Tạo nhiều vùng xanh an toàn (vùng không có dịch). Từ các ngõ, xóm an toàn, đường phố an toàn rồi tiến tới quận, huyện an toàn, Thủ đô an toàn. Nếu như cứ giãn cách mà chủ quan, không tạo được vùng xanh an toàn thì dịch rất dễ bùng lên.
Tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội là một quyết định đầy khó khăn khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, sinh kế của nhiều người dân sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không để dịch bùng phát thì đây là quyết định “đi trước một bước”, hành động “cao hơn một mức” của TP. Hà Nội. Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, sớm phục hồi kinh tế, sản xuất./.