Những năm gần đây, ở Việt Nam, các loại hình thiên tai xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Lũ quét và sạt lở đất là một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm và khó lường nhất. Chúng thường đi kèm với nhau, làm gia tăng mức độ nguy hại và xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du.
Rất nhiều vụ sạt lở đất thảm khốc là lời cảnh báo cho chúng ta về sự nguy hiểm của thiên tai và tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sạt lở đất một cách kịp thời, hiệu quả.
Năm 2024: Chỉ trong 9 tháng năm 2024, thiên tai đã làm hơn 400 người chết và mất tích, trong đó phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc lũ cuốn.
Sáng 10/9/2024, một trận lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đã vùi lấp toàn bộ thôn làng, nơi có 33 hộ dân với 168 người cư trú. Trận sạt lở đã khiến 52 người chết.
Các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm 14 nạn nhân mất tích; 15 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Lực lượng quân đội, công an triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 13/7/2024: Sạt lở bất ngờ trên tuyến đường Quốc lộ 34, tại vị trí Km10+900 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang vùi lấp một chiếc ôtô khách chạy tuyến Hà Giang-Bảo Lâm đang di chuyển, khiến 11 người chết, 4 người bị thương.
Chưa đầy 1 tháng sau, trong 2 ngày 4 và 5/8/2024, liên tục xảy ra sạt lở ở Lạng Sơn và Sơn La khiến 3 người tử vong và 2 người bị thương.
Năm 2023: Ngày 30/7/2023: Vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc đã vùi lấp trụ sở Trạm Cảnh sát giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng làm 3 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông Lâm Đồng hy sinh và 1 người chết. Vụ sạt lở cũng khiến tuyến đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn.
Năm 2021: Ngay ngày đầu tiên của năm mới, ngày 1/1/2021, một vụ sạt lở đất lớn đã xảy ra tại thôn Đức Lệ, xã Đức Nhuận, huyện Tân Định, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ sạt lở khiến 7 người chết, 4 người bị thương và làm sập đổ hoàn toàn 9 ngôi nhà cùng nhiều tài sản.
Năm 2020: Là một năm Trung Bộ hứng chịu một loạt sự cố nghiêm trọng liên quan đến sạt lở đất. Điển hình là thảm họa kép tại Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Lực lượng Quân khu 4 nỗ lực tìm kiếm các công nhân mất tích tại Rào Trăng 3. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Đêm ngày 10, rạng sáng 11/10/2020, tại khu nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3 đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 17 công nhân thủy điện bị vùi lấp.
Ngay khi nhận được thông tin, đoàn cán bộ của Quân khu 4 phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án, tiếp cận hiện trường tham gia công tác cứu hộ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 đã dẫn theo đoàn cán bộ 20 người, xuyên đêm băng đèo, lội suối tìm đến hiện trường.
Đau xót, tới rạng sáng 13/10, khi đoàn cứu hộ đang dừng nghỉ tại trạm kiểm lâm 67 (cách thủy điện Rào Trăng khoảng 10km) thì bất ngờ gặp lũ ống, đất đá sạt lở. 13 người trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp và hy sinh.
Nỗi đau thương, mất mát từ vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 chưa kịp lắng xuống thì chỉ ít ngày sau lại xảy ra thảm nạn sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Rạng sáng 18/10, ngọn núi phía sau dãy nhà tập thể của Đoàn 337 bị lở. Hàng ngàn khối đất đá đổ trùm lấy 4 căn nhà, nơi các chiến sỹ đang ngủ. Một số người kịp chạy thoát nhưng đã có 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp.
Không lâu sau, ngày 28/10/2020, sạt lở tương tự cũng xảy ra tại 2 xã Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Vụ sạt lở đã chôn vùi 11 ngôi nhà là nơi sinh sống của 55 nhân khẩu 2 thôn, khiến 22 người chết và mất tích, trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Trung Bộ năm 2020.
Ở khu vực phía Bắc, sạt lở kinh hoàng ngày 18/8/2020 tại bản Nà Chì, xã Nậm Mả, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
Năm 2019: Rạng sáng 9/7/2019, một vụ sạt lở đất đá lớn đã xảy ra tại thôn Nậm Chảy, xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Vụ sạt lở này đã khiến 7 người chết và 13 người khác mất tích. Nhà cửa, trang trại và cây cối trong khu vực bị vùi lấp hoàn toàn.
Năm 2018: Sáng 4/7/2018, một vụ sạt lở đất lớn đã xảy ra tại thôn 3, xã Cư Êwi, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Vụ sạt lở đã khiến 13 người chết, làm sập hoàn toàn 49 ngôi nhà cùng nhiều tài sản. Đây là một trong những vụ sạt lở đất thảm khốc nhất tại Đắk Lắk trong nhiều năm qua.
Các phương tiện san gạt đất đá sạt lở xuống đường đi từ xã Pa Vây Sử đi xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Ngày 3/8/2018, do mưa lớn kéo dài, hàng trăm nghìn tấn đất đá đã đổ ập xuống xã Mù Sang và xã Vàng Ma Chải thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, khiến 6 người chết, 4 người mất tích và 5 người bị thương.
Tại bản Sín Chải, xã Mù Sang, sạt lở cũng làm 1 người chết và 2 người bị thương. Nhiều hộ dân các xã khu vực ven sông, suối phải di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Năm 2010: Ngày 14/11/2010, một vụ sạt lở đất lớn đã xảy ra tại thôn 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã khiến 16 người thiệt mạng và 14 người bị thương, làm sập đổ hoàn toàn 34 ngôi nhà cùng nhiều tài sản.
Năm 2007: Ngày 18/7/2007, một vụ sạt lở đất lớn đã xảy ra tại thị trấn Liên Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, khiến 14 người thiệt mạng và 4 người khác mất tích. Ngoài ra, hàng chục ngôi nhà, trường học và các công trình công cộng khác cũng bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 2005: Tháng 10/2005, một vụ sạt lở đất lớn đã xảy ra tại xã Tân Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Theo thống kê, vụ sạt lở đã khiến 48 người chết, 14 người bị thương và làm sụp đổ hoàn toàn 56 ngôi nhà.
Với thương vong quá lớn, sự kiện này được đánh giá là một trong những thảm họa sạt lở đất tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Việt Nam./.