Sự thiếu trách nhiệm với nền giáo dục và đào tạo, học thuật nước nhà
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cho hay sau khi dư luận xôn xao về các đề tài luận án tiến sĩ, trong đó có luận án "tiến sĩ cầu lông", bà đã tìm hiểu, tìm tóm tắt luận án để đọc.
Bà Nga nói, qua theo dõi cho thấy các luận án bị dư luận phản ánh đều không xứng tầm bởi theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo có yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải có giá trị gia tăng tri thức khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu, hoặc đề xuất ý tưởng giải pháp mới giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.
"Với những luận án tiến sĩ như kiểu phát triển môn cầu lông trong bộ phận công chức thì đâu có làm gia tăng tri thức khoa học và đọc qua tóm tắt cũng không đề xuất được giải pháp mới. Rõ ràng, nó không xứng tầm với công trình khoa học và tôi thấy rất nực cười với luận án kiểu này.
Đây là sự quá dễ dãi trong nghiên cứu, đào tạo, thậm chí đánh giá một cách chuẩn xác thì để các luận án này bảo vệ thành công là sự vô trách nhiệm với nền giáo dục và đào tạo, học thuật của nước nhà", bà Nga nêu.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho biết một luận án muốn bảo vệ thành công thì nghiên cứu sinh phải học qua chương trình đào tạo và bảo vệ qua rất nhiều vòng. Nhưng với đề tài như dư luận vừa phản ánh đã làm tốn kém rất nhiều tiền của, nguồn lực xã hội nhưng kết quả thu lại "gần như bằng không".
Về việc đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo thông tin sẽ thẩm định lại các luận án tiến sĩ bị dư luận phản ánh, bà Nga nhấn mạnh việc thẩm định lại là cần thiết, tuy nhiên điều này chỉ mang ý nghĩa "trấn an dư luận, đối phó".
Bởi công tác thẩm định vẫn được Bộ Giáo dục và đào tạo làm thường xuyên, theo kế hoạch hằng năm với một tỉ lệ nhất định đối với các luận án được bảo vệ thành công.
"Chẳng lẽ trong công tác thẩm định thường xuyên đó, bộ không phát hiện điều gì bất thường? Hay xác suất ngẫu nhiên những luận án được thẩm định đều là luận án tốt, còn các luận án dư luận phản ánh bị 'lọt lưới'?
Điều này rất khó tin khi năm nào cũng thẩm định không phát hiện bất thường nhưng khi dư luận lên tiếng lại thẩm định", bà Nga nói và chỉ rõ đây mới là những luận án dư luận lên tiếng, còn rất nhiều luận án khác mà công chúng chưa tiếp cận được thì chất lượng ra sao.
Từ thực tế đặt ra, bà Nga cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo cần có giải pháp chấn chỉnh sao cho có sự nghiêm túc thật sự trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn việc thẩm định chỉ là "giải pháp tình thế".
Trách nhiệm người hướng dẫn, duyệt đề tài
Bà Nga chỉ rõ: việc xuất hiện các luận án tiến sĩ kiểu 'tiến sĩ cầu lông' có phần nguyên nhân từ bệnh thành tích khi nhiều người quan niệm "phải có bằng cấp cao mới oai" và đã đi học tiến sĩ là phải bảo vệ thành công, luận án nào cũng hoàn thành xuất sắc. Thêm vào đó, việc đào tạo cũng tràn lan, không ít cơ sở lấy số lượng tiến sĩ đã đào tạo được như một sự đảm bảo về chất lượng...
"Hành lang pháp lý có đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn nhưng vấn đề là thực hiện không nghiêm, khâu thẩm định, đánh giá có vấn đề. Do đó, thời gian tới, cơ quan quản lý cần kiên quyết để không chạy theo thành tích", bà Nga đề nghị.
PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng luận án 'tiến sĩ cầu lông' không phải là duy nhất gây tranh cãi, mà thực tế còn nhiều đề tài dù bảo vệ thành công nhưng chất lượng chưa xứng.
Bà An cho hay với những đề tài thế này, lỗi không phải chỉ tại nghiên cứu sinh, mà cần nhìn nhận trách nhiệm người hướng dẫn, duyệt đề tài.
"Khi chọn đề tài luận án tiến sĩ phải đúng tầm, không thể chọn những đề tài quá đơn giản, sơ sài. Với những đề tài như luận án 'tiến sĩ cầu lông' khi thấy chưa đủ tầm, chưa xứng để làm luận án tiến sĩ, tại sao người hướng dẫn lại để nghiên cứu sinh làm?", bà An đặt vấn đề.
Đồng thời, bà An nêu rõ cần phải quy trách nhiệm đến cùng cho những cơ sở đào tạo cho "ra lò" những tiến sĩ không thực chất và không thể đào tạo lấy số lượng, gây lãng phí.
"Đặc biệt nếu những người có trình độ thấp song nhờ bằng tiến sĩ mà được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước sẽ rất nguy hại", bà An nói thêm.