Hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành cho thấy vai trò quan trọng của khẩu trang, vaccine và các biện pháp cách ly, song vẫn còn những ẩn số chưa có lời giải như hiện tượng COVID kéo dài (long COVID), hiệu quả bảo vệ của vaccine và các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch này.
Kể từ khi ghi nhận những ca đầu tiên mắc COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, cho đến nay, đại dịch này đã lây lan trên toàn cầu với hơn 280 triệu ca mắc, trong đó hơn 5,4 triệu ca tử vong.
Tuy vậy, thế giới đã nhanh chóng đạt được nhiều tiến bộ trong phòng chống dịch. Nhiều loại vaccine hiệu quả đã được nghiên cứu, phát triển và xuất xưởng chỉ trong vòng một năm.
Mới đây nhất, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng Paxlovid - thuốc kháng virus SARS-CoV-2 của hãng Pfizer - điều trị COVID-19 sau khi các kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc có thể giúp giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì COVID-19.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã giải đáp được nhiều ẩn số của COVID-19 và hiện có thể nhanh chóng nhận diện các đột biến, như những đột biến được phát hiện ở các biến thể Delta và Omicron.
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn đang miệt mài tìm lời giải cho nhiều ẩn số lớn khác về bệnh dịch này, trong đó có hiện tượng một số người mắc bệnh nặng trong khi những người khác thì không, cũng như hiện tượng "COVID kéo dài."
Trang web truyền thông CNET của Mỹ dẫn lời bà Gigi Gronvall, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết tuổi tác chắc chắn là mối tương quan lớn nhất đối với các trường hợp mắc bệnh nặng.
Tuy nhiên, cũng có những người chỉ 29 tuổi và nhiều trẻ em đã tử vong sau khi mắc COVID-19, dù cho tất cả các dấu hiệu cho thấy lẽ ra diễn tiến bệnh của họ phải ở mức nhẹ.
Các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm lời giải về tình trạng "COVID kéo dài" - một loạt triệu chứng có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi bệnh nhân lần đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về hiện tượng này với một loạt triệu chứng kéo dài bao gồm mệt mỏi, khó thở, khó ngủ, khó tập trung, lo lắng, trầm cảm - và danh sách này vẫn tiếp tục được bổ sung. Mặc dù vậy, nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được xác định.
Chủ nhiệm Khoa Y tại Đại học California (Mỹ), ông Bob Wachter, nhấn mạnh rằng sau hai năm đại dịch, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về hiện tượng COVID kéo dài cũng như tình trạng lây nhiễm tràn lan biến thể Omicron dù đã tiêm chủng.
Hiệu quả miễn dịch từ vaccine sẽ kéo dài bao lâu đối với các biến thể như Omicron?
Vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 được đưa vào sử dụng cách đây một năm ở Mỹ và hai loại hiệu quả nhất tại nước này - của các hãng dược Moderna và Pfizer/BioNTech - sử dụng RNA thông tin (mRNA) để dạy các tế bào trong cơ thể người cách tạo ra một loại protein sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, vaccine mRNA đã được nghiên cứu trong hàng chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên vaccine này được đưa vào tiêm chủng đại trà.
Học giả Gronvall cho biết hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập thông tin về mức độ hiệu quả cũng như thời gian duy trì hiệu quả của vacine mRNA.
Bước đầu, nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine này giảm trước 6 tháng và đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vào tháng thứ 6 kể từ sau khi hoàn tất các mũi tiêm cơ bản.
Tuy vậy, bà Gronvall cũng nhấn mạnh trong bối cảnh các biến thể mới như Omicron đang lây lan nhanh chóng, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định liệu các mũi tăng cường có đủ để phát huy hiệu quả trong một thời gian dài hay không.
Theo WHO, vaccine của Pfizer và của Moderna ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Omicron so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 được xác định trước đó.
Trong khi đó, báo New York Times đưa tin các loại vaccine khác thậm chí còn ít tác dụng hơn đối với việc ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Omicron.
Tuy nhiên, theo Trường Y Đại học Harvard, những người được tiêm phòng đầy đủ ít có nguy cơ mắc bệnh nặng, cũng như giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, đặc biệt nếu được tiêm mũi tăng cường.
Sẽ có thêm nhiều biến thể như Delta và Omicron?
Virus liên tục biến đổi. Theo CDC Mỹ, có những biến đổi dẫn đến các biến thể mới xuất hiện nhanh và biến mất. Nhưng có những biến thể khác tồn tại làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm.
Theo WHO, trong hai năm, chủng virus gốc gây bệnh dịch COVID-19 đã biến đổi thành 5 "biến thể đáng lo ngại," căn cứ mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả của các biện pháp ứng phó y tế và khả năng lây lan từ người sang người.
Các biến thể alpha, beta và gamma đã được hạ xuống thành "các biến thể cần theo dõi" vào tháng 9 vừa qua, trong khi các biến thể delta và omicron hiện vẫn bị xem là "các biến thể đáng lo ngại."
Tuần qua, các quan chức Mỹ tuyên bố Omicron là biến thể chủ đạo tại nước này khi chiếm gần 3/4 số ca mắc mới.
Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy bệnh do Omicron gây ra có thể không nghiêm trọng bằng Delta - vốn là biển thể có tỷ lệ nhập viện gấp đôi biến thể Alpha ban đầu - nhưng dễ lây lan hơn nhiều.
Giới khoa học cảnh báo đại dịch càng kéo dài và các nhóm người trưởng thành còn lại chưa được tiêm phòng, virus càng có nhiều thời gian để lây lan và biến đổi.
Học giả cấp cao Gronvall nhấn mạnh trong khi các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng lập bản đồ và nhận dạng các biến thể, họ cần thời gian để phân tích mức độ nguy hiểm của biến thể mới dựa trên các dữ liệu về số ca nhập viện và tử vong./.