Chỉ được tính điểm ưu tiên khu vực 1 lần?
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT thông tin, tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như những năm trước. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật để đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch giữa ngành với ngành, giữa các phương thức tuyển sinh trong 1 ngành và giữa các trường với nhau.
Bộ GD&ĐT đang triển khai phương án sửa phần mềm để cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH,CĐ. Theo đó, năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức trực tiếp như trước đây.
Một thông tin quan trọng được TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, theo quyết định của Thủ tướng, thí sinh năm nay đăng ký xét tuyển trên cổng dịch vụ công của Chính phủ để kiểm soát và công khai minh bạch với toàn xã hội. Do đó, khác với những năm trước, năm 2022, thí sinh có thể đăng ký ở một trong hai địa chỉ là cổng dịch vụ công của Chính phủ hoặc cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo TS Hùng, Bộ GD&ĐT dự kiến đối với tất cả phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh, năm nay sẽ tiến hành lọc ảo chung. Đây là cũng là một điểm mới mang tính kỹ thuật vì những năm trước, Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức lọc ảo đối với phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển của các trường ĐH. Với dự kiến này, Bộ GD&ĐT mong muốn đảm bảo công bằng hơn nữa giữa các trường, giữa các ngành trong xét tuyển.
Trong dự thảo quy chế, Bộ GD&ĐT dự kiến yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH giải trình cụ thể việc xác định tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển. TS Hùng ví dụ như trường ĐH A công bố dành 30% chỉ tiêu xét kết quả học bạ, 60% xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và 10% xét kết quả thi đánh giá năng lực của một trong hai ĐH quốc gia. Năm nay, trong quy chế, Bộ dự kiến yêu cầu trường ĐH A phải giải trình được cho dư luận xã hội biết tại sao lại xác định tỷ lệ xét tuyển như trên. “Thực tế, có nhiều trường xác định phương thức nào dễ tuyển sinh thì dành nhiều chỉ tiêu. Nhưng như thế không đảm bảo công bằng cho thí sinh giữa các phương thức xét tuyển”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, trong chính sách ưu tiên, cụ thể là chính sách ưu tiên khu vực, Bộ GD&ĐT dự kiến mỗi thí sinh chỉ được sử dụng chính sách ưu tiên khu vực tại năm thí sinh đó tốt nghiệp. Những năm sau, nếu thí sinh đó thi lại để xét tuyển sinh sẽ không còn được áp dụng chính sách này. Tuy nhiên Bộ sẽ có lộ trình để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong vấn đề áp dụng chính sách cũng như là đảm bảo tính công bằng.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tăng
ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức xong đợt 1 thi đánh giá năng lực năm 2022 cho đối tượng thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Có hơn 1.100 thí sinh dự thi tại hai điểm Hà Nội và ĐH Thái Nguyên. Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết tính đến hết ngày 28/2 (ngày cuối cùng mở cổng đăng ký) đã có gần 85.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH này tổ chức. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ diễn ra sáng 27/3 tại 17 địa phương.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chính, trong số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, nhiều nhất là cụm thi TPHCM với 42.000 thí sinh. So với năm 2021, số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tăng lên gần 20.000 thí sinh (năm trước là 68.000). Lý giải nguyên nhân, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết kỳ thi đã được tổ chức tại nhiều địa phương hơn nên tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia. Không những thế, hiện có 84 đơn vị (trường ĐH, CĐ) sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh với 1.266 ngành học; 57 đơn vị tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển chung. Đợt 2 thi vào ngày 22/5, thời gian đăng ký từ 5 - 25/4.
Số trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức cũng đã lên đến 17 trường.