Điều thú vị về Rằm tháng 7: Phiên chợ bất thường rằm tháng 7

Những điều thú vị ít biết về ngày lễ Rằm tháng 7 ở Việt Nam
Những điều thú vị ít biết về Rằm tháng 7 ở Việt Nam

Với người Tày ở Hà Giang, rằm tháng 7 được gọi là “Tết Chỉn Chất” hay còn gọi là Tết rằm tháng Bảy. Ngày này con cháu có dịp sum vầy, quay về đoàn tụ với gia đình, thăm nom họ hàng và tưởng nhớ tổ tiên. Đặc biệt, đối với những người con gái Tày sau khi lấy chồng, đây còn là ngày để trở về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ sau một thời gian dài đằng đẵng ở bên nhà chồng. Thế nên, cho dù bận rộn công việc đến đâu, hễ cứ đến ngày rằm tháng Bảy, người Tày ở Hà Giang lại tạm gác tất cả các công việc để cùng nhau vui Tết Chỉn Chất. Mỗi gia đình đều chuẩn bị Tết Chỉn Chất từ những tháng trước, như nuôi vịt, phơi lá, phơi chuối khô để làm bánh…, trong đó không thể thiếu các món ăn truyền thống như bún vịt, bánh chuối, măng, núc nác nộm…

Vì là một ngày lễ lớn nhất của cộng đồng người Tày ở Hà Giang sau Tết Nguyên Đán, nên từ ngày 10 tháng Bảy trở đi không khí Tết Chỉn Chất đã tràn ngập trên khắp các bản làng người Tày ở Hà Giang. Theo đó, cứ đến ngày rằm tháng Bảy hằng năm, dù không phải là ngày chủ nhật để họp chợ phiên như quy định, nhưng đồng bào Tày từ các bản đều túa ra chợ, để tạo thành một phiên chợ bất thường chuẩn bị cho Tết Chỉn Chất. Phiên chợ trở nên vô cùng đặc biệt, bởi hôm đó người dân chỉ bày bán những lễ vật cho ngày Tết rằm tháng Bảy. Phiên chợ bất thường được người Tày Hà Giang họp từ sáng sớm tinh mơ, tại các khu chợ phiên quen thuộc của các bản làng, và cũng được kết thúc rất sớm so với các chợ phiên thông thường, để người dân còn có thời gian chuẩn bị cho buổi lễ Tết rằm tháng Bảy được chu đáo và tươm tất.

Điều thú vị về Rằm tháng 7: Ăn rằm cả tháng

Những điều thú vị ít biết về ngày lễ Rằm tháng 7 ở Việt Nam
 

Người Dao đỏ ở Yên Bái lấy ngày 14 là ngày chính rằm. Tuy nhiên, bà con không ăn rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra cả tháng. Bắt đầu từ ngày 1/7, khắp xóm trên bản dưới nhà nhà đều chuẩn bị gạo nếp ngon, lợn gà, rượu để chuẩn bị đón rằm. Người Dao quan niệm ăn rằm càng đông đủ con cháu, hàng xóm thì càng đông vui. Cỗ rằm tháng 7 được tổ chức theo từng gia đình. Mỗi gia đình chuẩn bị 5-7 mâm cỗ để mời anh em, hàng xóm. Tổ chức ở nhà này thì các nhà khác góp sức, góp nguyên vật liệu, xong nhà này thì lại đến nhà khác.

Mâm cúng gia tiên được bà con chuẩn bị cầu kỳ, gồm một con lợn khoảng 40-50 kg, một con gà luộc, rượu, tiền giấy. Các thầy cúng được mời đến để báo cáo, xin tổ tiên, các đấng thần linh phù hộ cho bà con có cuộc sống ấm no.

Điều thú vị về Rằm tháng 7: Rằm của người Cao Lan không thể thiếu bánh gai

Với đồng bào Cao Lan, rằm tháng bảy không thể thiếu bánh gai. Bánh được gói bằng lá chuối đã được hong tái qua nắng nên rất dẻo và thơm. Người phụ nữ Cao Lan nào cũng biết làm bánh và dù công việc bận rộn đến đâu cũng phải thu xếp để có thời gian làm bánh gai trong ngày rằm tháng bảy. Để có được chiếc bánh gai thơm ngon, ngoài bột phải giã nhuyễn thì nhân bánh gai cũng được đặc biệt chú ý. Nhân bánh phải có độ thơm bùi của đỗ, dừa khô và có pha chút gia vị của núi rừng. Có nơi nguyên liệu là bột gạo nếp được giã nhuyễn cùng quả chuối chín đã được sấy khô trước đó nhiều ngày, sau đó đem đồ, hoặc hấp cách thủy, nên giữ được độ thơm lâu. Theo tục lệ của đồng bào Cao Lan, những chiếc bánh đầu tiên lấy ra được dâng lên thắp hương tổ tiên trước, sau đó các thành viên trong gia đình mới được thưởng thức.

Điều thú vị về Rằm tháng 7: Quỳ lạy chúc mừng ông bà cha mẹ

Người Thái ở Lai Châu tổ chức ăn rằm tháng 7 âm lịch theo tiếng thái gọi là “xíp xí bơn chết”. Người Thái quan niệm rằm tháng 7 là xá tội vong nhân, gia đình cầu bình an và khỏe mạnh, cầu cho hạn hán qua đi và điều may mắn sẽ đến trong những tháng tới.

Người Thái tổ chức cúng ông bà, tổ tiên vào sáng sớm ngày 14, ngày này con cháu dù đi xa thì cũng cố gắng về để sum họp bên gia đình. Mâm cúng đặt lên bàn thờ tổ tiên có trầu cau, rượu, nhang vàng, xôi nếp, bánh dày, con gà hay thịt lợn… Gia đình phải tính số người đã mất để lấy giấy màu “cắt” cho mỗi người một bộ quần áo và lấy giấy vàng bạc gấp thành thuyền để tiễn đưa người mất. Ngoài mâm cúng tổ tiên, gia đình cũng làm mâm cúng thổ thần, thổ địa và một mâm cúng ngoài hiên cho ma đường, ma xá không vào được nhà hưởng lộc. Người Thái có tục lệ, trong lễ xíp xí, con cháu nội ngoại ở riêng đều mang lễ lạt đến chúc mừng bố mẹ, ông bà. Người có điều kiện thì Tết lễ to như gà, vịt, lợn, không thì chai rượu, vài ký gạo hay gói bánh để tỏ lòng biết ơn công ơn mẹ cha sinh dưỡng.

Mâm cúng bày xong, chủ gia đình thắp hương lòng thành cầu nguyện ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình, con cháu mạnh khỏe, gặp nhiều điều may mắn. Trong lúc chờ xong một tuần hương, chủ nhà phải lên rót 3 lần rượu ra các chén trên mâm để mời tổ tiên và người về sau hưởng lộc. Hết tuần hương, gia đình xin với tổ tiên hạ lễ, bày mâm để gia đình con cháu ăn uống sum vầy. Trước khi ngồi vào mâm, con cháu quỳ lạy chúc mừng bố mẹ, ông bà mạnh khỏe.