Những kịch bản an toàn trong trường học03/12/2021 - 08:37:00 Từ bậc mầm non cho tới THPT, tùy theo từng cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục (trường học, trung tâm ngoại ngữ...) ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được chính quyền cho phép mở cửa đón học sinh trở lại từ ngày 13/12 tới đây. Để đảm bảo an toàn, ngay từ bây giờ nhiều trường học đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án, kịch bản phòng, chống dịch nhằm mang đến sự an toàn nhất cho học sinh.
Đồng loạt cho phép mở trường Ngày 2/12, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM có văn bản hướng dẫn cụ thể về kế hoạch mở cửa trường học tại các địa bàn. Theo đó, ngành Giáo dục căn cứ vào cấp độ dịch (được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM công bố hàng tuần) để cho phép mở cửa các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non tới THCS. Riêng bậc THPT sẽ mở cửa đồng loạt theo cấp độ dịch chung của TP HCM (hiện cấp độ 2). Cụ thể, các cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) được phép tổ chức dạy học trực tiếp và đảm bảo quy định về phòng, chống dịch. Các trường THCS, THPT thực hiện toàn bộ thời lượng theo kế hoạch giáo dục nhà trường nhưng không quá 30 tiết/ngày, ưu tiên chương trình chính khóa. Với địa phương có dịch cấp độ 2 sẽ tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch nhưng phải sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng quy định, với trẻ từ 25 tháng đến 6 tuổi được đi học trực tiếp nhưng không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường. Tại cấp tiểu học sẽ ưu tiên cho lớp 1, 2 học trực tiếp với thời lượng học 100%. Các lớp 3, 4, 5 cũng đi học trực tiếp nhưng với thời lượng 50%. Với cấp THCS, THPT, GDTX thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu trực tiếp không quá 18 tiết/tuần. Với các trung tâm ngoại ngữ, tin học được hoạt động tối đa 50% số lượng học viên tại cùng một thời điểm, phối hợp dạy trực tuyến và trực tiếp. Trong khi đó, tại vùng dịch có cấp độ 3, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, để lãnh đạo quyết định dạy học nhưng ưu tiên dạy trực tiếp lớp 1, 2, 6, 9, 12 học trực tiếp. Đặc biệt, với vùng dịch ở cấp độ 4 (hiện TP HCM không có địa phương nào) vẫn tiếp tục duy trì hình thức dạy học trực tuyến, chưa được dạy trực tiếp. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM, hiện có 9 địa phương ở cấp độ 1 là quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ cùng 13 địa phương ở cấp độ 2 là quận 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Trường học tất bật lên phương án Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Ánh Hoàng, Hiệu trưởng Tập đoàn giáo dục quốc tế Nam Việt (quận 12) cho biết, hiện nhà trường đã xây dựng phương án đón học sinh trở lại theo từng giai đoạn, bám sát tình hình dịch địa phương. Trường đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ an toàn Covid-19 phân công nhiệm vụ chi tiết, cụ thể cho từng thành viên, kiểm tra giám sát từng buổi, từng ngày. Họp toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên để triển khai phương án và xây dựng kịch bản khi có F0, xử lý tình huống tại chỗ, khoanh vùng nhỏ nhất để cách ly đồng thời liên lạc với y tế địa phương. Trường cũng xây dựng phòng cách ly, phòng ăn, khu nội trú đảm bảo đúng quy định theo bộ tiêu chí cùng bình ô xy, kit test nhanh Covid-19... Do tập đoàn có nhiều điểm trường nên các trường đều được trang bị buồng khử khuẩn, mã QR tại cổng vào đặt bàn đo thân nhiệt và sổ ghi chép theo dõi sức khỏe học sinh từng buổi học. Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, hiện nhà trường đang theo dõi chặt chẽ các chỉ đạo của lãnh đạo, tình hình dịch địa phương đồng thời liên tục liên lạc với phụ huynh học sinh về việc mở cửa trường. Theo ông Phú, ngoài các yêu cầu chung của công tác phòng, chống dịch theo quy định của ngành, trường THPT Nguyễn Du cũng lên phương án riêng, như nếu phát hiện F0 trong trường sẽ lập tức cách ly, khoanh vùng và gọi điện thoại cho người nhà, y tế phường... Với các F1 sẽ được xét nghiệm nhanh tại trường, sau đó tiếp tục cho phép về nhà cách ly, học trực tuyến. Với phòng học sẽ được phun khử khuẩn, làm vệ sinh theo quy định. Các trường hợp F1 này sau 3 ngày nếu không có triệu chứng sẽ được xét nghiệm lại để đánh giá và cho tiếp tục trở lại trường học bình thường. Hầu hết phụ huynh đồng tình Với khoảng 1,7 triệu học sinh từ bậc mầm non tới THPT, kế hoạch cho phép học sinh tới trường học trực tiếp nhận được sự quan tâm của phụ huynh ở TP HCM. Bà Đặng Thị Phương, 41 tuổi có con đang học tại Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết, năm nay con bà thi đại học, việc học trực tuyến dù an toàn nhưng tồn tại nhiều bất cập, khiến cháu không thể tiếp thu hết kiến thức. “Cháu đã tiêm vaccine được gần 1 tháng, giờ tới trường là thời điểm thích hợp. Ở nhà hơn nửa năm nay, học cùng máy tính cũng nhiều bất cập lắm, không thực hành được. Mong cháu tới lớp để học cùng bạn bè cho vững kiến thức. Mấy hôm nay cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên thông tin, trao đổi về kế hoạch chuẩn bị của nhà trường nên tôi cũng an tâm ”- bà Phương nói. Thực tế, mong muốn của hầu hết phụ huynh ở TP HCM là con em được tới trường sau khi tiêm đủ vaccine theo quy định. Tuy nhiên, với một số phụ huynh có con em nhỏ tuổi đang chờ để tiêm vaccine lại tỏ ra khá e dè, lo lắng. Anh Nguyễn Văn Tùng (34 tuổi, làm nghề tài xế xe tải) cho biết, anh có hai con đang học lớp 1 và lớp 3 ở trên địa bàn huyện Hóc Môn. “Tôi cũng nghe cô giáo thông báo kế hoạch tiêm vaccine chục ngày rồi nhưng chưa tới lượt. Giờ cho con tới trường cũng không an tâm lắm vì dịch đang diễn biến phức tạp trở lại. Nếu cháu được tiêm vaccine thì đi học cũng không vấn đề gì bởi hiện nay bà xã mình phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc và hướng dẫn hai đứa nhỏ học trực tuyến”- anh Tùng nói. Thông tin về chủ trương cho phép học sinh bậc mầm non, tiểu học chưa tiêm vaccine vẫn tới trường, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, đây là kế hoạch thí điểm cho học sinh đi học trở lại ở cả 3 cấp học. Trong đó bậc tiểu học, TP HCM ưu tiên cho học sinh lớp 1 đi học trước vì đây là khối học sinh mới chuyển từ bậc mầm non lên, các em chưa được đến trường ngày nào. Việc học trực tuyến với các em cũng khó khăn hơn, cần được ưu tiên để tiếp cận các chương trình giáo dục, gặp gỡ thầy cô giáo. Cũng theo ông Dũng, lãnh đạo TP HCM, ngành Giáo dục cũng thấu hiểu tâm trạng của phụ huynh nên thời gian đầu sẽ thực hiện thí điểm đồng thời tham khảo quy trình phòng, chống dịch chặt chẽ từ Sở Y tế thành phố. Đặc biệt, song song với việc thí điểm tới trường bậc mầm non, tiểu học thì TP HCM cũng đang nỗ lực tiêm phủ vaccine cho các em trong thời gian ít ngày tới để tạo sự an toàn. Nhiều trường đại học cho sinh viên học trực tiếp Ngày 2/12, ngay sau khi TP HCM cho phép học sinh được tới trường, nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố cũng thông báo về việc sinh viên được trở lại học trực tiếp. Theo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), từ ngày 6/12, trường mở lại các phần chưa hoàn tất và cho phép sinh viên được học trực tiếp. Điều kiện là sinh viên phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine từ ngày 22/11 hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Trong khi đó, dù giới hạn số lượng sinh viên nhưng Trường ĐH Công nghệ TP HCM cũng đã cho phép sinh viên trở lại trường. Tại nhiều khoa ngành, các học phần thực hành được ưu tiên với điều kiện sinh viên phải tiêm 2 mũi vaccine, thực hiện khai báo y tế và xuất trình mã xác nhận trước khi vào trường. Bên cạnh đó, sinh viên cần tuân thủ nguyên tắc 5K, đeo khẩu trang xuyên suốt, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Trước đó, một số trường như ĐH Y dược TP HCM, ĐH Công nghệ thực phẩm TP HCM đã cho phép sinh viên năm cuối, sinh viên thực tập, thực hành... được tới trường kèm theo một số yêu cầu bắt buộc. Hiện các trường này cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch nhằm từng bước đưa các sinh viên khác quay trở lại trường theo lộ trình và đáp ứng đầy đủ yêu cầu chống dịch. Trẻ chưa tiêm vaccine vẫn có thể tới trường Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM), trẻ khi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn có thể mắc Covid-19 và ngược lại, trẻ chưa tiêm vaccine thì cũng không chắc chắn sẽ mắc Covid-19. Bởi thực tế trong tình hình mới hiện nay, trẻ không may trở thành F0 là điều không quá lo lắng. Quan trọng nhất chính là quy trình, cách thức khi xử lý F0 tại các nhà trường, cơ sở giáo dục. Bác sĩ Khanh cho rằng, trong bình thường mới hiện nay bắt buộc phải chấp nhận thực tế là trẻ (hay người lớn) hoàn toàn có thể trở thành F0 dù có tiêm vaccine hay chưa. Vấn đề chính là việc nhà trường chuẩn bị các quy trình đầy đủ, an toàn, đảm bảo khi phát hiện F0 để giảm thiểu tối đa các rủi ro nếu có. Ngoài ra ngay cả phụ huynh cũng cần có cái nhìn khác về việc trẻ thành F0, không quá lo sợ khi trong trường xuất hiện F0 và buộc trẻ phải ở nhà. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, để đảm bảo tăng sự an toàn cần đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho trẻ, bởi ngoài yếu tố dịch tễ, vaccine cũng mang đến sự an tâm hơn cho phụ huynh. Ngoài ra, cần bắt buộc trẻ thực hiện tốt quy định 5K trong trường học. Đ.Xá (ghi) Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|