Mỗi khi về quê ở tỉnh Hồ Nam, vùng nông thôn của Trung Quốc, vào dịp Tết Nguyên Đán, Sophia Wang - 27 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tiếp thị tại một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, đều nhận được câu hỏi từ người thân: “Khi nào cháu kết hôn và sinh con?”
Câu trả lời của cô luôn là: “Cháu không cần con cái để làm niềm vui hay chăm sóc khi cháu già.”
Ban đầu, gánh nặng tài chính khi nuôi dạy một đứa trẻ trong môi trường giáo dục siêu cạnh tranh ở Trung Quốc khiến Wang do dự. Nhưng gần đây, Wang đã quyết định ưu tiên bản thân lên hàng đầu.
“Kết quả lý tưởng của tôi là tìm được ai đó để chung sống cuộc sống DINK,” Wang nói, đề cập đến một hộ gia đình “có thu nhập gấp đôi nhưng không có con cái.”
Wang cho biết: “Tôi không loại trừ việc kết hôn nhưng tôi thực sự từ chối việc có con. Thế hệ của cha mẹ tôi nghĩ rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ thật dễ dàng - chỉ cần cho chúng ăn, và chúng sẽ lớn lên. Nhưng với chúng tôi bây giờ thì khác.”
Theo thống kê gần đây, dân số Trung Quốc chính thức bị thu hẹp do số người tử vong nhiều hơn số được sinh ra. Thực trạng này đã được dự đoán trước, nhưng nó vẫn gây ra các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do lực lượng lao động thu hẹp - một thách thức ngày càng trầm trọng hơn sau 35 năm hạn chế các gia đình chỉ có một con.
Các nhà nhân khẩu học đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện một chiến dịch toàn diện nhằm khuyến khích sinh nhiều hơn. Nhưng các chuyên gia khác cho rằng đây không phải là giải pháp và sẽ gây áp lực lên phụ nữ trong việc ưu tiên con cái hơn sự nghiệp.
Nhiều người dân Trung Quốc muốn chính phủ chấp nhận rằng đất nước không thể tránh khỏi những thách thức về nhân khẩu học và thay vào đó tập trung hỗ trợ tốt hơn cho những người quyết định sinh con - bằng cách giảm gánh nặng tài chính và đảm bảo các cơ hội nghề nghiệp.
Thanh niên và tầng lớp trung lưu có trình độ học vấn cao ở Trung Quốc ngày càng lo lắng về việc chính quyền khuyến khích sinh nhiều con sau khi chính sách “một con” bị bãi bỏ vào năm 2016.
Yun Zhou, nhà xã hội học tại Đại học Michigan, đã thực hiện các cuộc phỏng vấn và nhận thấy nhiều thanh niên Trung Quốc lo lắng rằng tình trạng phân biệt giới tính phổ biến ở nơi làm việc sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi “các nhà tuyển dụng ngày càng do dự khi tuyển dụng lao động nữ vì sợ rằng họ sẽ không chỉ có một mà hai con trở lên.”
Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con thông qua việc cưỡng ép phá thai, triệt sản và phạt tiền nếu có nhiều con hơn mức cho phép. Nhưng chính sách này cũng mang lại một số kết quả tích cực về bình đẳng giới: Con gái được hưởng lợi từ việc giảm bớt sự cạnh tranh với anh em nam trong việc giành sự quan tâm của cha mẹ cũng như được đầu tư thời gian và tiền bạc cho giáo dục.
Kailing Xie - giảng viên về phát triển quốc tế tại Đại học Birmingham của Anh - cho biết chính quyền đã khuyến khích các gia đình nuôi dạy con cái trở thành những đứa trẻ “chất lượng cao,” có trình độ học vấn và năng động, nhưng đó là lý tưởng mà khó ai có thể đạt được vì chi phí quá cao.
Ren Zeping, một nhà kinh tế làm việc với Viện nghiên cứu Dân số YuWa, đã yêu cầu những người theo dõi trên mạng xã hội Twitter bỏ phiếu cho các phương án hỗ trợ chính sách.
Sau 126.000 phiếu bầu, kết quả đứng đầu là trợ cấp cho cha mẹ và ở vị trí thứ hai là hỗ trợ nhiều hơn cho lợi ích nghề nghiệp của phụ nữ.
Một chủ đề nóng khác trên mạng là nguy cơ bị tổn hại khi mang thai và sinh nở.
Liu Xueqian, 34 tuổi, làm việc tại một công ty nhà nước ở Hàng Châu, đã quyết định không sinh con thứ hai cách đây 4 năm khi cô phải mổ cấp cứu sau cơn chuyển dạ kéo dài và sốt cao.
Sau nỗi sợ hãi ban đầu về sức khỏe, cô đã suy nghĩ về cuộc sống mà mình mong muốn và từ chối những lời khuyên của cha mẹ và nhà chồng về việc sinh thêm con.
Liu nói: “Ảnh hưởng của việc nuôi dạy con cái đối với sự nghiệp của tôi không tệ - chỉ là tôi không còn tự do trong cuộc sống thường ngày nữa. Tôi có thể đếm trên đầu ngón tay số lần tôi được đi ăn ngoài trong mấy năm gần đây”./.