Những quy định có hiệu lực từ tháng 11-202430/10/2024 - 09:09:00 Bỏ việc giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình; bị phạt nặng khi xúc phạm những người tiến hành tố tụng... là những quy định có hiệu lực từ tháng 11-2024.
Bỏ việc giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, kể từ ngày 15-11 (ngày Thông tư 46 có hiệu lực thi hành), người dân được giám sát lực lượng CSGT thông qua 5 hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Như vậy, từ ngày 15-11, bỏ quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình. Bị phạt nặng khi xúc phạm những người tiến hành tố tụng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-11. Cụ thể, liên quan đến hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư, so với Nghị định 82/2020, nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Như vậy, luật sư trong quá trình hành nghề nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa án... sẽ bị phạt tiền đến 30 triệu đồng. Lập hội phải có tài sản bảo đảm Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 26-11. Theo Nghị định 126, để thành lập hội thì cần bảo đảm nhiều điều kiện về tên gọi; có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp; có điều lệ, trụ sở; lĩnh vực hoạt động chính của hội định thành lập không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động… Đáng chú ý, một trong các điều kiện để thành lập hội là phải có tài sản để bảo đảm hoạt động của hội. Đây là quy định mới so với hiện nay tại Nghị định 45/2010. Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|