Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ
Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên trì thực hiện mục tiêu kép, nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu.
Trong lúc này, trên phạm vi cả nước cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, bởi kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Cùng với đó, phải bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất, “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Bởi phải phát triển kinh tế thì mới có nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch còn rất trường kỳ, khó khăn, đồng thời để bảo đảm cuộc sống cho người dân và chăm lo cho mọi mặt hoạt động của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi công việc sản xuất, chế độ ăn nghỉ của công nhân tại một doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, tháng 7/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa sản xuất đã có tại nhiều địa phương. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hết sức chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”, ít nguy cơ dịch bệnh để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Phải bám sát tình hình, hết sức linh hoạt để có quyết định phù hợp, nơi có ổ dịch thì cần phong tỏa chặt, cách ly nghiêm giữa người với người, gia đình với gia đình…; nơi không có dịch hoặc đảm bảo an toàn thì vẫn triển khai sản xuất, kinh doanh, tránh trường hợp cực đoan; chủ động, linh hoạt các biện pháp như “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ), “một cung đường hai điểm đến”... để bảo toàn hoạt động sản xuất, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch hoặc có nguy cơ cao.
“Tổ chức sản xuất phải an toàn và thích nghi với điều kiện cụ thể, nghiên cứu xây dựng mỗi nhà máy, xí nghiệp phải là “pháo đài”chống dịch và mỗi công nhân phải là một “chiến sĩ” chống dịch, tích cực hiệu quả để bảo đảm sản xuất, kinh doanh và sức khỏe cho chính mình”, Thủ tướng nêu rõ.
Mỗi nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch
Triển khai hàng loạt các biện pháp chưa có tiền lệ, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên sáng kiến áp dụng “3 tại chỗ” trong nhà máy để duy trì sản xuất. Các nhà máy được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy. Hoặc doanh nghiệp có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng đảm bảo “biệt lập”, có xe đưa đón hằng ngày tới nhà máy và ngược lại. Công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ.
Đến nay, tại các khu công nghiệp, Bắc Ninh đã có 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với trên 314.000 lao động. Các doanh nghiệp cơ bản hoạt động trong trạng thái bình thường. Tuy nhiên, Bắc Ninh yêu cầu các cấp, các ngành, doanh nghiệp không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Hiện tỉnh Bắc Ninh đã tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho hơn 108.000 lao động trong các khu công nghiệp và tiếp tục lập kế hoạch để sẵn sàng tổ chức tiêm cho tất cả người lao động của các doanh nghiệp mũi 2. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đăng ký và đề nghị Chính phủ hỗ trợ để tiêm cho toàn thể người lao động để đảm bảo sức khỏe, an toàn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước cũng áp dụng mô hình này. Bình Dương là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao mỗi ngày. Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang nỗ lực để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất an toàn theo phương án “3 tại chỗ”; quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được “vùng xanh” các địa phương ở phía bắc để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm căn cứ địa, vùng đệm vững chắc để tấn công dịch tại các địa phương phía nam của tỉnh; kiên quyết bảo vệ “vùng xanh” để từng bước khôi phục các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, duy trì hoạt động sản xuất và có điều kiện chi viện cho “vùng đỏ”; từng bước thiết lập trạng thái bình thường mới đối với các khu vực đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Theo đó, nhằm thiết lập “vùng xanh” trong các khu công nghiệp (KCN), Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản đề nghị các chủ đầu tư và doanh nghiệp (DN) thuộc các KCN tại TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên thiết lập mô hình 3 xanh (doanh nghiệp, công nhân và nhà trọ) bằng những phương án cụ thể.
Cụ thể, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào KCN, DN. Nơi nào không đáp ứng, không bảo đảm an toàn buộc ngừng hoạt động. Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc hàng ngày khi đến làm việc. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất. DN cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm; gửi kết quả đến ban quản lý và chính quyền địa phương. Đồng thời, xét nghiệm hàng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm... ra vào, phát huy vai trò hoạt động của các Tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị UBND TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên chủ động phối hợp “DN xanh” liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ phù hợp, an toàn. Tại nơi cư trú, chỗ trọ của người lao động, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần theo quy định của ngành y tế cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình đang ở chung với công nhân, người lao động của “DN xanh”.
Tiếp tục có nhiều quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp
Duy trì mô hình “3 tại chỗ”, thiết lập các “vùng xanh” là một trong số nhiều biện pháp mà chính quyền các cấp cũng như các doanh nghiệp đã và đang thực hiện để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.
Nhằm bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp, vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Mục tiêu của nghị quyết là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thời gian tới sẽ có khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng hỗ trợ tín dụng, 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động trong năm 2021.
Bên cạnh đó, có hàng trăm ngàn doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động.
Chính phủ và các Bộ ngành đang nỗ lực để tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động từ dịch COVID-19 (Ảnh minh họa: M.A) |
Nội dung dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất là áp dụng biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19.
Thứ hai, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Bộ GTVT hướng dẫn địa phương thực hiện thống nhất "luồng xanh" vận tải đường bộ, đường thủy trên toàn quốc, không quy định thêm điều kiện cản trở lưu thông; phối hợp với Bộ Y tế ban hành quy tắc vận tải an toàn trong phòng, chống dịch.
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp. Chính phủ giao Bộ Lao động - thương binh và xã hội hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021.
Giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9-2021.
Bộ Công thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng phương án giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỉ USD. Tiếp tục thực hiện giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành. Triển khai chính sách ưu đãi thuế với hàng hóa nhập khẩu tài trợ, phục vụ phòng, chống dịch VOVID-19.
Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Khẩn trương cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19.
Nhóm giải pháp thứ tư về lao động và chuyên gia, Chính phủ yêu cầu các bộ áp dụng linh hoạt và nới lỏng các điều kiện cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước những tác động “không mong muốn” từ đại dịch COVID-19.
Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.