Thứ trưởng Trần Quốc Phương 

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết về Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao triển khai?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trình Chính phủ cho ý kiến thông qua, trước khi trình các cấp có thẩm quyền.

Theo đó, dự thảo đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 gồm 5 nhóm giải pháp chính, đó là:

Nhóm giải pháp thứ nhất là về phòng chống dịch bệnh và y tế. Theo ông Phương, nhóm giải pháp này sẽ bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Giải pháp này cần đến kinh phí và đều được thể hiện trong gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện các nhóm giải pháp khác.

Nhóm giải pháp thứ hai là về an sinh xã hội. Nhóm giải pháp này được nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân trong các khu công nghiệp với các giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; cho vay ưu đãi với đối tượng như học sinh - sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, tạo điều kiện cho những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có nơi ăn ở, sinh hoạt bảo đảm cuộc sống lâu dài.

Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, trong chương trình phục hồi sẽ tập trung chủ yếu vào các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí như đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Đối với chính sách tiền tệ, sẽ có các giải pháp về cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển.

Nhóm giải pháp tiếp theo đóng vai trò rất quan trọng là thúc đẩy tiến độ đầu tư công. Giải pháp này có ý nghĩa "kép" - vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong giai đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.

Cuối cùng là nhóm giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro.

 Có khó khăn nhưng Việt Nam còn nhiều dư địa để phục hồi phát triển 

PV: Để đảm bảo triển khai hiệu quả, cần thiết phải huy động mọi nguồn lực trong quá trình xây dựng phục hồi, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhận định này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy mô chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế phải đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, phải bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô, cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Ngoài ra, chương trình phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả nợ của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định rõ, Chương trình phục hồi kinh tế phải có quy mô đủ lớn, diện bao phủ đủ rộng, thời gian đủ dài, ít nhất là 2 năm 2022-2023. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ cho một số lĩnh vực trọng điểm, sức lan tỏa lớn đối với nền kinh tế. Thêm nữa, cần đặc biệt quan tâm đến đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

PV: Thứ trưởng dự báo thế nào về tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2022?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được thực hiện và triển khai nhanh thì Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng cao hơn trong năm 2023. Về động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ vẫn là 3 trọng tâm kích hoạt tăng trưởng.

Đặc biệt, lưu ý cốt lõi của vấn đề là tập trung đẩy mạnh vào sản xuất gia tăng giá trị, cộng đồng doanh nghiệp cần được hỗ trợ một cách tối đa ở các khía cạnh: cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và nguồn lực, nhất là vốn với việc thực thi các gói tín dụng lãi suất thấp cùng với kéo dài thêm các giải pháp giãn, hoãn và điều chỉnh nợ đồng thời mở rộng thêm thị trường cho doanh nghiệp.

Thông điệp của năm 2022 sẽ gói gọn trong hai chữ “niềm tin” – tin tưởng ở sự phục hồi, tin tưởng ở sự thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt khó khăn. Niềm tin này có cơ sở. Chúng ta vẫn có một nền kinh tế vĩ mô khá ổn định, thu ngân sách vẫn đạt và vượt mục tiêu đề ra, xuất nhập khẩu cao, thu hút đầu tư vẫn hấp dẫn. Thêm vào đó, chúng ta có quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các gói giải pháp phục hồi và sự sẵn sàng hoạt động của các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Tất nhiên, trong năm 2022, nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn năm 2021, không chỉ gánh thêm cho năm 2021 mà còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ: quy hoạch vùng miền, quy hoạch các địa phương; triển khai các dự án lớn về đầu tư công, coi giải phóng mặt bằng là đột phá trong giải ngân đầu tư công…

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 
Bài và ảnh: Lê Anh