Đây là điều quyết định để đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như nước Nhật Bản, Châu Âu... Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là hướng đi mạnh mẽ của Hải Dương để nâng cao giá trị nông sản.
Vừa thu hoạch những sào vải cuối vụ, ông Nguyễn Văn Sung, (50 tuổi) xóm 4, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tranh thủ tỉa lá, tạo tán cho cây để chuẩn bị bước vào vụ mùa mới.
Người trồng vải Thanh Hà năm nay phấn khởi vì được mùa, được giá. Như 1,4 mẫu trồng vải của nhà ông Nguyễn Văn Sung cũng để ra khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí chăm sóc khác...
Vừa chăm chút cho vườn cây, ông Nguyễn Văn Sung không quên ghi chép nhật ký chăm sóc trên phần mềm điện tử theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
“Bây giờ thu hoạch xong là cắt tỉa, bấm cành. Khi nào mọc chồi non mà có triệu chứng sâu thì mới phun thuốc. Lúc nào vải ra hoa mới được bón lân đạm, vừa chống sương mà chống cả sâu. Quy trình chăm sóc là phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác tổ trưởng Vietgap- Global Gap. Bây giờ tất cả đều có trên điện thoại thông minh" - ông Nguyễn Văn Sung chia sẻ.
Năm nay, huyện Thanh Hà - vựa vải của tỉnh Hải Dương triển khai mô hình gắn mã QR cho các vườn vải đảm bảo quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap. Trước mắt là 77 hộ dân tại tổ sản xuất số 10 do ông Phạm Văn Giang làm tổ trưởng. Khi bà con chưa quen với cách làm mới, ông Phạm Văn Giang đi từng vườn để hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định chăm sóc, nhất là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng nồng độ và đúng thời gian.
"Người nông dân không phải ai cũng có điện thoại thông minh và cũng toàn người cao tuổi. Chúng tôi mong là sẽ được tập huấn, hướng dẫn nhiều hơn để làm quen dần. Năm nay, mới có tổ số 10 được gắn mã QR nhưng chủ trương là sang năm gắn tất cả với những hộ gia đình trồng vải theo mô hình Global Gap để tất cả quả vải đều được truy xuất nguồn gốc, được xuất đi nước ngoài" - ông Phạm Văn Giang nói.
Gắn tem, mác truy xuất nguồn gốc bằng mã QR là công nghệ rất mới được ứng dụng vào những vườn vải. Việc này, giúp vải Thanh Hà, Hải Dương có sức tiêu thụ tốt hơn khi xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngoài sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các công ty thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu cũng đầu tư các thiết bị thông minh để giám sát quy trình chăm sóc vùng nguyên liệu tập trung.
Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có phần mềm riêng quản lý vùng nguyên liệu trong đó định vị cả vị trí vườn vải, cập nhật quá trình người dân trồng, chắm sóc, bón phân, phun thuốc. Ngoài ra thì Amei cũng có phần mềm riêng về truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi phải ứng dụng rất nhiều công nghệ thông tin để gắn kết với bà con và cùng chính quyền địa phương quản lý vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn có thể xuất khẩu sang các thị trường cao cấp".
Những thay đổi về cách thức trồng cùng nhiều phương thức quảng bá, xúc tiến đã giúp vải thiều Việt Nam có mặt tại 30 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Riêng vải thiều Hải Dương đã góp mặt tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và gần một nửa sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Xuất khẩu sang thị trường khó tính là mục tiêu lớn, phấn đấu đưa ngành nông nghiệp Hải Dương trở thành ngành nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ như Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra.
Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Mục tiêu là tiêu chuẩn hóa sản phẩm liên quan tới chất lượng sản phẩm. Huyện Thanh Hà nhận thức sâu sắc điều này đặc biệt là hiện nay UBND tỉnh Hải Dương đã có đề án phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung công nghệ cao - hữu cơ giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới 2030. Trong đó đề án có nhiều cơ chế chính sách. Và chúng tôi tiếp tục đề xuất triển khai với vải thiều".
Vụ vải năm nay, toàn tỉnh Hải Dương đạt sản lượng hơn 61.500 tấn, tăng 1,12 lần so với vụ trước với khoảng 10% sản lượng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Dù sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề phát triển thị trường cho ngành nông nghiệp địa phương. Đặc biệt hơn, những giá trị này thể hiện rõ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người trồng vải từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, tích hợp “đa giá trị” trên một mẫu đất canh tác khi ứng dụng các công nghệ số. Đó cũng là cách nhân thêm giá trị nông sản khi người nông dân sản xuất ra những sản phẩm an toàn trên mảnh đất quê hương./.