Hết lo chó chạy rông, hát hò nửa đêm

NĐ 144 có khá nhiều quy định mới. Nếu trước đây NĐ 167/2013 không đề cập đến hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư thì trong NĐ mới, hành vi này bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Quy định trước đây là chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Ở chung cư sẽ bớt phiền vì chó, mèo, karaoke - ảnh 1
Quy định rõ về các vi phạm ở chung cư sẽ góp phần bảo vệ không gian sống xanh, sạch cho  n. Ảnh minh họa: PD

Ngoài ra, NĐ cũng quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng với hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Đi kèm phạt tiền là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Quy định mới phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi tự ý dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Luật sư (LS) Huỳnh Văn Nông (Đoàn LS TP.HCM), trưởng ban quản trị một chung cư lớn ở quận Bình Thạnh, cho biết cư dân chung cư đặc biệt khó chịu với vấn đề nuôi thả rông chó, mèo, gây ồn ào, mất vệ sinh, việc tăng mức phạt là rất cần thiết.

Một tình trạng khác là hát karaoke trong chung cư cũng khiến cộng đồng cư dân rất phiền lòng. Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Nông cho biết muốn quản lý tốt ở chung cư cần có quy định chặt chẽ, ban quản trị khéo léo, phát hiện vi phạm kịp thời để nhắc nhở cư dân.

Cần hướng dẫn xử phạt rõ ràng

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, đánh giá NĐ 144 ra đời là thực sự cần thiết trong bối cảnh chung cư phát triển ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, NĐ cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm ở chung cư. Vì từ gia súc, gia cầm vẫn gây tranh cãi khiến ban quản trị, ban quản lý khá khó xử.

Theo Luật Chăn nuôi 2018, khái niệm gia súc được định nghĩa là các loài động vật có vú, bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi; gia cầm là các loài động vật có hai chân, lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi. Tuy nhiên, theo Thông tư 23/2019 của Bộ NN&PTNT thì chó, mèo được xếp vào loài động vật khác chứ không thuộc danh mục gia súc.

Bộ Xây dựng trong Văn bản 176 ngày 18-1-2021 trả lời Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm. Do đó việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định. Văn bản của Bộ Xây dựng có nêu các chủ sở hữu căn hộ, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy đã được hội nghị nhà chung cư thông qua. Như vậy, việc có cho phép nuôi chó, mèo trong chung cư hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định từ hội nghị này, sau đó được cụ thể hóa bằng nội quy.

Vì vậy, theo LS Hậu, thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 144 cần quy định rõ trường hợp nuôi thả chó, mèo, thú cưng trong chung cư thì xử phạt như thế nào…

“Đối với các hành vi vi phạm thì cư dân, ban quản trị, ban quản lý chung cư cần chụp ảnh, quay clip để làm bằng chứng với UBND phường khu vực đó” - LS Hậu chia sẻ.

Là đơn vị quản lý nhiều chung cư tại TP.HCM, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), cho biết cư dân xem chó, mèo là thú cưng, vật nuôi chứ không phải là gia súc. Do quy định pháp luật không rõ khiến ban quản lý không xử lý được. Thứ hai là hành vi gây tiếng động lớn, ồn ào cũng cần quy định rõ mức độ tiếng ồn.

Một lo ngại khác về vấn đề xử phạt ông Thành nêu ra là những hành vi vi phạm phổ biến ở chung cư xuất hiện chủ yếu vào ngày nghỉ cuối tuần, nửa đêm nên rất khó để cơ quan chính quyền có mặt lập biên bản, xử phạt. Ban quản lý, ban quản trị chỉ nhắc nhở, chứ không có thẩm quyền xử phạt. “Vì thế, rất cần sự vào cuộc kịp thời từ cơ quan chính quyền trong việc xử phạt răn đe những vi phạm trên” - ông Thành kiến nghị.

Mức phạt vi phạm quá nhẹ?

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Global Home, NĐ 144 đưa ra các hành vi có sự chồng chéo, trùng lặp với những hành vi vi phạm được quy định tại NĐ 139/2017. Đơn cử như hành vi sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định; kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư hoặc tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng chống cháy nổ… Mức xử phạt tại NĐ 144 lại thấp hơn nhiều, chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng so với NĐ 139, mức phạt mỗi hành vi vi phạm nặng là từ 10 triệu đồng trở lên.