Theo Reuters, trong ngày 28/5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua thỏa thuận nâng trần nợ công. "Đây là một tin tức tốt cho người dân Mỹ. Thỏa thuận sẽ loại bỏ nguy cơ vỡ nợ và bảo vệ quá trình phục hồi kinh tế. Tôi mong lưỡng viện sẽ sớm thông qua thỏa thuận", ông Biden nói.

Sau một thời gian đàm phán căng thẳng, ngày 27/5, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm nâng mức trần nợ công. Tuy vậy, ông Biden và ông McCarthy hiện phải tìm cách để thuyết phục các nghị sĩ lưỡng đảng.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy. Ảnh: Reuters

Hiện tại, các chi tiết về thỏa thuận chưa được công bố, nhưng theo Reuters, cả 2 bên đã đồng ý hoãn trần nợ đến tháng 1/2025. Đổi lại, Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu và giữ chi phí quốc phòng ở mức của năm 2023 trong vòng 2 năm, để trần nợ công được nâng lên trong khoảng thời gian này.

Ngay sau khi được công bố, thỏa thuận đã bị một số nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng chỉ trích. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy tuyên bố sẽ "cố gắng ngăn thỏa thuận được thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 31/5".

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham lại bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của thỏa thuận tới quy mô quân đội Mỹ. Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal cũng không hài lòng về một số điều khoản trong thỏa thuận nâng trần nợ.

Trên thực tế, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng thừa nhận thỏa thuận sẽ bị phản đối bởi một số nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ, nhưng ông tin thỏa thuận vẫn sẽ đạt đủ phiếu bầu từ những nhà lập pháp ôn hòa ở cả hai đảng.

"Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều sẽ hài lòng. Nhưng chúng ta đang đi đúng hướng. Đây là thỏa thuận mà đa số đảng viên Cộng hòa sẽ đồng ý", ông McCarthy nói.