PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhiều trăn trở nếu phân tích kỹ cơ cấu nguồn thu17/07/2022 - 12:31:00 Chỉ 6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đã hoàn thành 66% dự toán pháp lệnh, ngân sách thặng dư gần 220.000 tỷ đồng, nhiều khoản thu, sắc thuế băng băng về đích… dù nền kinh tế còn khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nhìn vào chỉ số trên rất đáng mừng. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ cơ cấu nguồn thu thì còn nhiều trăn trở. Bội thu ngân sách nhìn vào cơ cấu đến từ bất động sản và dầu thô. “Sếu đầu đàn” thu ngân sách vẫn yếu Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang khó khăn, chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp miễn giảm, giãn thuế cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn bội thu. Vậy theo ông, nguyên nhân là vì sao? - Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là sự phục hồi đã diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Sở dĩ, chúng ta đạt được kết quả này bởi, thời gian qua các cơ quan thuế đã triển khai thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là các chính sách thuế mới, cùng cơ chế, phí hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế. Đi sâu vào phân tích nguồn thu, nếu như trước kia các nguồn thu thuế từ mua bán chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh chứng khoán, thương mại điện tử... chưa được chú ý nhiều, thì thời gian gần đây đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng. Có thể lấy ví dụ như thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới Facebook, Google, YouTube... năm 2016 chỉ xấp xỉ 47 tỷ đồng, nhưng đến 2021 đã đạt hơn 1.590 tỷ đồng. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã áp dụng hóa đơn điện tử, số hóa nhiều hoạt động, rất minh bạch. Bởi vậy, khi thu đúng, thu đủ thì số thu tăng. Trong cơ cấu thu ngân sách, thu từ dầu thô và bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Vậy theo ông, có phải kết quả thu ngân sách Nhà nước đang thiếu bền vững? - Trong bối cảnh các dự báo kinh tế toàn cầu có sự suy giảm do bất ổn địa chính thế giới và xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, với mức tăng trưởng hơn 7,7%, cho thấy nền kinh tế chúng ta đang trên đà phục hồi tốt và nửa đầu năm có nhiều gam màu sáng hơn. Trong đó có một số nguồn thu thể hiện sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn, như thuế giá trị gia tăng tăng 15,6%, thuế thu nhập DN tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021. Nhìn vào chỉ số trên rất đáng mừng, tuy nhiên nếu phân tích kỹ cơ cấu nguồn thu thì còn nhiều trăn trở. Bội thu ngân sách nhìn vào cơ cấu đến từ bất động sản và dầu thô. Vì vậy, thu từ khai thác tài nguyên hữu hạn là chủ yếu. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên tự nhiên như các ngành dầu, bất động sản, thép, hoá chất… Chúng ta đang thiếu đi các lĩnh vực sáng tạo để tạo giá trị như công nghiệp sản xuất làm đầu kéo “đàn sếu” DN sản xuất vệ tinh, thiếu lĩnh vực công nghệ cao. Tìm thêm những giải pháp tăng thu bền vững Với tình hình trong nước và thế giới như hiện nay, thu ngân sách từ nay tới cuối năm sẽ gặp những khó khăn gì và liệu có hoàn thành mục tiêu đề ra không thưa ông? Năm nay ngành thuế được giao thu ngân sách là 1.174.900 tỷ đồng. Nhưng, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đã thặng dư đến 220.000 tỷ đồng. Đây là dư địa tốt để lấy đà về đích đúng hẹn. Đặc biệt, khoản thu từ nội địa, tức đến từ sản xuất kinh doanh đạt 63% dự toán. Điều này cho thấy DN đã quay trở lại sản xuất kinh doanh ổn định, có lãi và đóng thuế.
Kết quả dự báo thu ngân sách 6 tháng cuối năm tương đối khả quan do chính sách miễn giảm thuế cho DN theo Nghị định 34 khoảng 123.000 tỷ đồng, sẽ được DN nộp vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế và kết hợp với tình hình ở trong nước, cho ta thấy 6 tháng cuối năm là một giai đoạn còn tiếp tục nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới tuy có hồi phục nhưng không đồng đều và cũng chưa đạt được mức phát triển trước đại dịch. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn. Tình hình lạm phát ở các nước hầu hết ở mức cao, giá lương thực, nguyên nhiên vật liệu đã tăng ở một mặt bằng mới, cộng thêm với những khó khăn do chính sách ngừng xuất và tạm ngừng xuất dầu ăn, lúa mì, phân bón, thức ăn gia súc… càng làm cho giá cả hàng hóa thế giới bị đẩy lên cao. Điều mà Việt Nam đáng quan tâm là những mặt hàng trên vẫn phải nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, nguy cơ chúng ta phải chịu đựng tác động của nhập khẩu lạm phát vẫn đang hiện hữu. Vậy, theo ông, đâu là giải pháp mang tính bền vững trong giai đoạn hiện nay? - Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhân tố quan trọng, quyết định tới ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, ngành tài chính cần tập trung triển khai kịp thời các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại để chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán. Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử. Việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam cần có biện pháp phù hợp, vừa đảm bảo thu được thuế vừa đưa ra mức thu phù hợp với khả năng chịu đựng của người dân và DN, trong đó có thể kết hợp giữa cách thu thuế theo tỷ lệ phần trăm và thu theo cố định số tiền, tránh càng lạm phát, thuế cũng góp phần thúc giá tăng thêm. Xin chân thành cảm ơn ông! Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|