Từ 7h đến 12h ngày 30/7, Hà Nội ghi nhận thêm 61 trường hợp mắc mới, trong đó 36 ca tại cộng đồng và 25 ca tại khu cách ly.
Các ca bệnh ở 12 quận, huyện, được phân theo chùm: ho sốt thứ phát (29 ca), nhà thuốc Đức Tâm ở 95 phố Láng Hạ (12 ca), sàng lọc ho sốt cộng đồng (8 ca), liên quan đến người về từ Thành phố Hồ Chí Minh (6 ca), liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội (4 ca), liên quan đến Bắc Ninh (1 ca), điểm lây nhiễm Tân Mai-Hoàng Mai (1 ca).
Như vậy, đến thời điểm này, trong đợt dịch thứ tư tính từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận 1.059 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số ca mắc được ghi nhận ngoài cộng đồng là 642, số ca mắc là trường hợp đã được cách ly là 417.
Cũng từ 6h ngày 24/7, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Hà Nội là "vùng trũng" của dịch nên nguy cơ cao.
Thành phố đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua sàng lọc những ca ho, sốt tại cộng đồng, đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh như chuỗi lây nhiễm tại nhà thuốc Đức Tâm (phố Láng Hạ)… Điều đó cho thấy các ca bệnh không rõ nguồn lây nằm rải rác.
Cho rằng những ca phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho, sốt chỉ là "phần nổi của tảng băng," Hà Nội sẽ còn những ca bệnh lẩn khuất ở trong cộng đồng mà chưa phát hiện ra, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh Hà Nội cần thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt Thông điệp 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
"Nếu thực hiện không nghiêm thì sẽ không có tác dụng gì. Giống như chúng ta chỉ rào 2 đầu ngõ, đầu phố nhưng ở trong người dân vẫn giao lưu, tiếp xúc. Đặc biệt, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn có thể lây lan ra nhiều người. Nếu người nhiễm virus mà đi lại nhiều nơi thì dịch nhanh chóng lây lan ra diện rộng," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.
Hà Nội cần tuân thủ nguyên tắc mỗi nhà đều "cửa đóng, then cài," về cơ bản đóng cửa các cửa hàng, cửa hiệu trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu…
Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và được chính quyền cho phép. Đồng thời, các hoạt động lao động, sản xuất, giao thông cũng cần sắp xếp lại để hạn chế giao tiếp.
Ngoài việc tránh tập trung đông người khi đi chợ, siêu thị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cũng lưu ý rằng Hà Nội không để diễn ra bất kỳ hoạt động nào tập trung đông người như khi đi xét nghiệm hay thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đến thời điểm này, số ca mắc chưa thật nhiều, vì thế Hà Nội nên giám sát trên diện rộng có chỉ định, không xét nghiệm tràn lan, nhằm phát hiện những ổ dịch. Việc truy vết vẫn là cần thiết để tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đồng thời, Hà Nội cũng cần phải lên phương án cho cách ly, điều trị cần thiết nếu số ca mắc tăng cao. Bởi lẽ khi số mắc tăng cao thì số trường hợp nặng nhiều hơn, bệnh nhân tử vong cũng nhiều.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội nên triển khai thí điểm cho cách ly F1 tại nhà, điều kiện là cần đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Việc làm này vừa để thí điểm vừa để tập dượt sẵn sàng cho tình huống khi các ca bệnh nhiều lên.
Song song với đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. "Tiêm chủng mới là cách phòng bệnh bền vững nhất còn giãn cách chỉ là (phương pháp) thời điểm. Đối với người dân lúc này, khi ho, sốt thì phải báo ngay với nhân viên y tế," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh./.