“Tăng cường năng lực tiêm phòng vaccine trên toàn cầu”, đây là lời kêu gọi được Liên Hợp Quốc và nhiều nhà lãnh đạo thế giới đưa ra hôm qua (24/5) tại ngày khai mạc Hội nghị thường niên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo hình thức trực tuyến. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh, đại dịch Covid-19 vẫn khiến thế giới đau đầu sau hơn 1 năm bùng phát. Ấn Độ hôm qua đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới vượt qua mốc 300.000 người tử vong, trong khi số ca tử vong tại Mỹ Latin và Caribe cũng vượt ngưỡng 1 triệu.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, gần 18 tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, thế giới vẫn trong tình trạng rất nguy hiểm. Số ca mắc tính đến thời điểm này trong năm cao hơn so với toàn bộ năm 2020. Nếu xu hướng này tiếp tục, số ca tử vong sẽ nhanh chóng vượt qua tổng số ca tử vong của cả năm ngoái chỉ trong vòng ba tuần tới. Theo người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi ngày càng có nhiều người dân tại tất cả cả các nước trên thế giới được tiêm chủng.
“Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hỗ trợ mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 tới và ít nhất 30% vào tháng 12. Đây là điều quan trọng để ngăn chặn các ca cử tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng”.
Chia sẻ quan điểm này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa nhắc lại cảnh báo về sự nguy hiểm của phản ứng toàn cầu hai tốc độ. Theo ông, thế giới thực sự đang trong một cuộc chiến và những tác động mà cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra như một cơn sóng thần khiến hàng triệu người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất việc làm và gây cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.
“Khi bắt đầu đại dịch Covid-19, tôi đã cảnh báo về sự nguy hiểm của phản ứng toàn cầu hai tốc độ. Đáng buồn thay, trừ khi hành động ngay bây giờ, còn không chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống, mà tại đó các nước giàu tiêm chủng cho phần lớn người dân và mở cửa nền kinh tế, trong khi virus tiếp tục hoành hành tại những nước nghèo nhất. Covid-19 không thể bị đánh bại chỉ ở từng quốc gia”.
Theo các số liệu thống kê chính thức, đại dịch Covid-19 tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,4 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới cho rằng con số thực tế có thể cao hơn. Tại châu Á, Ấn Độ hôm qua đã trở thành nước thứ 3 thế giới có số ca tử vong do Covid-19 vượt quá 300.000 sau Mỹ và Brazil. Nhật Bản, vốn đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 4, hôm qua bắt đầu đưa vào hoạt động những trung tâm tiêm chủng quy mô lớn đầu tiên nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine chưa đầy 2 tháng trước Thế vận hội Tokyo vào cuối tháng 7. Tới nay mới chỉ có 2% dân số nước này nhận được đủ 2 mũi tiêm, so với 40% tại Mỹ hay 15% ở Pháp.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ngày 9/6 tới sẽ công bố danh sách những nước ngoài khối có công dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine và có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được phép nhập cảnh. Đây là một phần của kế hoạch triển khai hộ chiếu sức khỏe mà lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí hồi tuần trước nhằm mở cửa nền kinh tế sau hơn 1 năm đóng cửa. Tại Trung Đông, Israel cũng dự định dỡ bỏ tất cả các hạn chế về y tế bắt đầu từ ngày 1/6 tới, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng, cũng như sự xuất hiện của những biến chủng mới nguy hiểm hơn khiến các kế hoạch quốc gia mở cửa lại nền kinh tế trở nên khó khăn hơn./.