Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Công nghiệp chế biến, chế tạo nối tiếp đà tăng trưởng11/10/2024 - 14:51:00 Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn thể hiện rõ vai trò là động lực chính cho tăng trưởng trong quý III/2024, bù đắp sụt giảm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế Theo Tổng cục Thống kế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 9,59% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp là 8,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%. Có thể nói, công nghiệp chế biến, chế tạo quý III năm nay vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực từ quý II/2024, là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế trong quý III và 9 tháng năm 2024. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì mức tăng trưởng cao. Lý giải nguyên nhân, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - cho biết, tuy bão số 3 có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng mức ảnh hưởng không lớn do có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo khắc phục nhanh sự cố mất điện, đảm bảo cung cấp điện ngay cho các doanh nghiệp. Mặt khác các doanh nghiệp sản xuất đã có các phương án chủ động phòng chống bão, khắc phục thiệt hại sau bão và tổ chức lại sản xuất, tăng ca sản xuất để bù lại lượng thành phẩm đã bị hỏng do bão, bù lại thời gian bị dừng sản xuất để đảm bảo thời gian giao hàng theo đúng các hợp đồng đã ký kết. Theo Vụ trưởng Phí Thị Hương Nga, bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong quý III/2024 cũng có các yếu tố tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng. Một số nhóm ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tăng cao: Các doanh nghiệp ngành may, da giầy tận dụng tốt các lợi thế từ thị trường nước ngoài; doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất ôtô tăng mạnh khối lượng sản xuất để tận dụng tốt lợi thế từ Nghị định NĐ 109/2024/NĐ-CP giảm 50% thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1.9 để chuẩn bị hàng tiêu thụ cho các tháng tới. "Nhiều động lực tăng trưởng trong quý III/2024 sẽ còn tiếp tục duy trì và phát huy trong quý IV/2024" - bà Phí Thị Hương Nga cho biết. Doanh nghiệp kiến nghị chính sách hỗ trợ Theo Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các quý tiếp theo, các doanh nghiệp đã có một số kiến nghị. Đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao cho doanh nghiệp, 43,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn. Đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, 33,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và 25,4% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương phải ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Về lao động, 15,1% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng các yêu cầu mới trong sản xuất. Bên cạnh đó, 20,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; 19,6% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất cho SXKD; 17,0% doanh nghiệp kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất. Về thủ tục hành chính, có 25,9% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa; 24,9% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, điều kiện vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn, để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|