Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 205020/12/2023 - 10:56:00 Tin vui đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hải Dương, ngày 19/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch với tầm nhìn, tư duy đổi mới - sáng tạo, cùng khát vọng vươn lên phát triển, là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Mục tiêu đến năm 2050, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao; có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển của cả vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước; là trung tâm của sự kết nối, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, quy mô hơn 1.668km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc; 235 đơn vị hành chính cấp xã. Quy hoạch tỉnh nêu rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Hải Dương; phương án phát triển các ngành quan trọng, phương hướng tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, liên huyện; phân bổ và khoanh vùng đất đai… Mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch tổng thể của Hải Dương dựa trên 5 trụ cột, 3 nền tảng, 1 đô thị trung tâm, 4 đô thị động lực và 4 trục phát triển. Trong đó, 5 trụ cột chiến lược phát triển gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. 3 nền tảng gồm: Văn hóa và con người Hải Dương; Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 1 đô thị trung tâm là TP Hải Dương, 4 đô thị động lực là TP Chí Linh, Thị xã Kinh Môn, Huyện Bình Giang, và Huyện Thanh Miện. 4 trục phát triển không gian: Trục bắc nam; Trục đông tây phía bắc; Trục đông tây qua trung tâm tỉnh; Trục sông Thái Bình. Trên cơ sở phân tích, đánh giá sát hiện trạng; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội và khả năng phát triển, tỉnh Hải Dương đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân trong cả giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm. Với tầm nhìn tới năm 2050 Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học & công nghệ cao, Công nghiệp của tỉnh sẽ phát triển theo 4 trụ cột chính, đây cũng chính là 4 chiến lược phát triển, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với với khu kinh tế chuyên biệt, cụm công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo. Các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh bao gồm: Ngành cơ khí chế tạo; Ngành điện, điện tử; Ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Công nghiệp phát triển theo 3 vùng: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; Vùng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng; Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang. Về phát triển nông nghiệp sẽ phát triển theo 6 vùng: Vùng canh tác rau vụ đông tại huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn; Vùng cây ăn quả chủ lực tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; Vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tại huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Gia Lộc; Vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao tại huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang; Vùng chăn nuôi chủ lực tại huyện Cẩm Giàng, huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và thành phố Chí Linh; Vùng nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang, huyện Kim Thành, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh. Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Hải Dương phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị. Trong đó, 1 đô thị trung tâm là Thành phố Hải Dương; 4 đô thị động lực: Thành phố Chí Linh, Thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện; 5 đô thị vệ tinh là: thị trấn Gia Lộc, thị trấn Nam Sách, thị trấn Lai Cách, thị trấn Thanh Hà, thị trấn Tứ Kỳ; 2 đô thị chức năng chuyên biệt gồm: thị trấn Ninh Giang và thị trấn Phú Thái Quy hoạch cũng nêu rõ phát triển các ngành dịch vụ, để trở thành động lực kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong tương lai; có khả năng đáp ứng và cung cấp các loại hình dịch vụ chất lượng cao, nhất là các ngành thương mại, vận tải, dịch vụ logistics, viễn thông, tài chính và các loại hình dịch vụ khác. Thương hiệu Hải Dương được định vị rõ nét trên thị trường trong nước và quốc tế; trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch, nhất là du lịch: tâm linh, văn hóa, sinh thái gắn với ẩm thực và nghỉ dưỡng. Hệ thống giáo dục đào tạo phát triển; có nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030. Là tỉnh có khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở y tế tỉnh Hải Dương đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phát triển hiện đại, đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện. Để thực hiện Quy hoạch, Hải Dương huy động tổng hợp các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội. Hải Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại. Vũ Long
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|