Phép thử cho Afghanistan24/07/2021 - 19:26:00 Sau khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan hồi đầu tháng, tình hình chiến sự ở đây trở nên căng thẳng, khi lực lượng Taliban liên tiếp triển khai nhiều cuộc tấn công, từ đó kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ.
Thời của ý chí và thực lực Ngày 22/7, trả lời hãng tin Sputnik (Nga), người phát ngôn Taliban - Zabiullah Mujahid cho biết, nhóm vũ trang này đã nắm toàn bộ đường biên giới giữa Afghanistan với Iran và Turkmenistan. Trong khi, biên giới chung với Pakistan, ngoại trừ một khu vực nhỏ, cũng đã nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng này. Thông tin này được đưa ra sau khi Chính phủ Afghanistan và Taliban ngày 18/7, dù đã ra một tuyên bố chung trong tiến trình đàm phán Doha, khẳng định sẽ nhóm họp lại và đã ban hành hướng dẫn để xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, nhưng không có lệnh ngừng bắn nào được đưa ra. Theo lời của phát ngôn viên văn phòng chính trị Taliban khẳng định: “Trong tiến trình đàm phán Doha, chúng tôi không đưa ra đề nghị về một lệnh ngừng bắn 3 tháng”. Tuy nhiên, người phát ngôn này cho biết, các cuộc gặp giữa Taliban và phái đoàn của Chính phủ Afghanistan sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và tiến trình đàm phán là “một cơ hội tốt để đưa các quan điểm xích lại gần nhau hơn”. Taliban nắm được lợi thế lớn sau nhiều tuần tổ chức các đợt tấn công bạo lực nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh Chính phủ. Theo tướng Marc Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Taliban hiện đã kiểm soát khoảng 1 nửa trong tổng số 419 thị trấn và thành phố là trung tâm của các quận trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Trong bối cảnh, Taliban đang tận dụng đà tấn công để giành giật lãnh thổ, các lực lượng an ninh Afghanistan đang tập trung củng cố các vị trí hiện nắm giữ, để bảo vệ các trung tâm dân cư lớn, bao gồm cả thủ đô Kabul. Trong khi đó, 1 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin cho biết, hoạt động của quân đội Mỹ ở Afghanistan trong tương lai sẽ không tập trung vào Taliban mà chỉ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố, lực lượng Taliban đã tuyên bố sẽ không cho phép tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thâm nhập và hoạt động tại Afghanistan. Người phát ngôn Taliban - Zabiullah Mujahid khẳng định, sẽ không có chuyện các tay súng khủng bố từ Trung Á được phép hoạt động tại các khu vực do Taliban kiểm soát. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền Afghanistan lại trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của Taliban khi cho rằng, nhóm vũ trang này muốn Afghanistan “trở thành thiên đường cho các tay súng nổi loạn”. Nhận định về thực tế trên, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho rằng, Taliban dường như có được “động lực chiến lược” trong những cuộc tấn công trên khắp lãnh thổ Afghanistan. Tướng Milley chỉ ra rằng quân đội Afghanistan đã được các lực lượng nước ngoài huấn luyện cũng như trang bị vũ khí và có quân số đông hơn nhiều so với các tay súng Taliban. Mặc dù vậy, ông Miley thừa nhận, quân số không phải là yếu tố cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến, mà hai điều quan trọng nhất là ý chí và khả năng lãnh đạo. “Lực lượng an ninh Afghanistan đủ năng lực để chiến đấu và bảo vệ đất nước của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan khi cần thiết theo hướng dẫn của Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng”, tướng Milley nói. Tiếp tục trợ giúp Dù đang hoàn tất tiến trình rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, nhưng Mỹ vẫn không làm ngơ trước tình hình chiến sự căng thẳng tại nước này. Từ ngày 21 – 22/7, Mỹ lần đầu triển khai 4 đợt không kích, phần lớn được thực hiện bằng máy bay không người lái, nhằm vào Taliban để hỗ trợ quân đội chính phủ Afghanistan. Ngày 23/7, khi được hỏi về vụ không kích do tiêm kích F/A-18 của hải quân Mỹ thực hiện ở tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Trong vài ngày qua, chúng tôi tiến hành các cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan”. Đây là vụ không kích đầu tiên của Mỹ sau khi đại tướng Scott Miller thôi giữ chức chỉ huy các hoạt động quân sự của Mỹ tại Afghanistan và rời quốc gia Trung Á này hồi tuần trước, động thái mang tính biểu tượng cho việc kết thúc chiến dịch quân sự tại đây. Quyền triển khai không kích nhằm vào Taliban hiện nay nằm trong tay đại tướng Frank McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ. Ít nhất hai cuộc không kích nhằm phá hủy các thiết bị quân sự, gồm một khẩu pháo và một phương tiện mà Taliban đoạt được từ tay quân chính phủ Afghanistan. Hai cuộc không kích còn lại nhằm vào vị trí của Taliban trên chiến trường. Các quan chức Mỹ kêu gọi lực lượng chính phủ Afghanistan sử dụng máy bay quân sự và lực lượng mặt đất do Mỹ huấn luyện để chống lại Taliban. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cung cấp tài chính và các hình thức hỗ trợ khác cho quân đội Afghanistan, dù không có binh sĩ hay máy bay quân sự đồn trú tại nước này. Một sự trợ giúp khác đến từ Đức, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/7 khẳng định, Berlin sẽ hỗ trợ thêm về tài chính cho những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Đức khi những người này muốn tái định cư cuộc sống tại quốc gia châu Âu này. Bà Merkel cho biết, đã kêu gọi nội các nước này cần có một giải pháp thực dụng để đảm bảo hỗ trợ người Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Đức trong thời gian lưu trú tại quốc gia Nam Á này. Đức đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan hồi cuối tháng 6, chấm dứt gần 20 năm triển khai các cứ mệnh bên cạnh lực lượng Mỹ và quốc tế ở quốc gia Tây Nam Á. Tuy nhiên, hàng trăm người bản địa Afghanistan từng làm việc cho quân đội Đức (như lái xe, phiên dịch hoặc những công việc khác) vẫn chưa thể tới Đức và họ phải đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu của Taliban. Hồi tháng 6, Chính phủ Đức thông báo đã cấp 2.400 thị thực cho những người Afghanistan (cùng thân nhân) từng hỗ trợ quân đội Đức, song có nhiều ý kiến cho rằng tiến trình này được thực hiện quá chậm chạp. Sau 20 năm, Mỹ đã chi 1.000 tỷ USD cho việc huấn luyện và trang bị cho hàng trăm nghìn nhân sự của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan, 2.448 người Mỹ thiệt mạng, 20.722 người khác bị thương và hàng nghìn người trở về nhà với những tổn thương về sức khỏe tinh thần chưa từng thấy. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|