Phía sau những cánh cửa làm đẹp10/09/2023 - 20:52:00 Vụ một lao công làm phẫu thuật căng da mặt cho khách ở Đà Nẵng khiến người ta giật mình nhưng cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”. Phẫu thuật bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nhưng nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn tiến hành, bất chấp nguy hiểm đến với khách.
Nhu cầu làm đẹp tăng cao đã kéo theo thị trường dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nở rộ. Rất nhiều cơ sở hoạt động chui, người hành nghề không có chứng chỉ, không có chuyên môn, lại càng không phải là bác sĩ. Tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ ngay tại căn hộ chung cư TS.BS Tống Hải - Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và tái tạo (Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia) cho biết, các bác sĩ sau khi tốt nghiệp cần học chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật hàm mặt, khi hành nghề cần có chứng chỉ theo quy định của pháp luật và phải có kinh nghiệm. Riêng với phẫu thuật căng da mặt, loại bỏ da thừa làm căng da, mờ các nếp nhăn giúp cho gương mặt trẻ lại, theo quy định của Bộ Y tế thì bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện. Nhìn chung, trong chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ phải học chuyên khoa định hướng 8 - 12 tháng, sau đó sẽ học chuyên khoa 1 (hoặc thạc sĩ), rồi mới được đăng ký chứng chỉ hành nghề để thực hiện phẫu thuật tại các bệnh viện công, bệnh viện tư có chuyên khoa. Trong trường hợp hành nghề tư nhân, bác sĩ cần thực tập 36 tháng tại bệnh viện chuyên khoa, hoặc bệnh viện có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ. Quy định như vậy là rất chặt chẽ, tuy nhiên tại nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, kỹ thuật viên phẫu thuật đôi khi không qua bất cứ trường lớp y tế nào. Lý do là chủ cơ sở thuê giá rẻ, đồng thời kéo giá dịch vụ phẫu thuật xuống để thu hút khách. Khách cũng chọn phẫu thuật làm đẹp tại các cơ sở này vì giá rẻ với các cam kết an toàn 100%. Mới đây, tại TPHCM, đã xảy ra một số trường hợp tai biến, biến chứng sau khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ. Đặc biệt có trường hợp tử vong sau khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại khách sạn, nhà trọ. Sở Y tế TPHCM qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, hoạt động với hình thức spa, chăm sóc da ngay tại căn hộ chung cư. Chỉ trong một ngày, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã xử phạt 6 cá nhân và cơ sở vi phạm lĩnh vực khám chữa bệnh, trong đó 3 cơ sở bị đình chỉ hoạt động 18 tháng. Trong đó, một phòng khám răng hàm mặt ở phường Võ Thị Sáu (Quận 3) bị phạt 93 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động 4 tháng, tước chứng chỉ hành nghề 3 tháng của người chịu trách nhiệm chuyên môn. Một chủ hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ quốc tế ở phường Đa Kao (Quận 1) bị phạt 77,5 triệu đồng và đình chỉ cơ sở hoạt động 18 tháng. Tương tự, do cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện, một chủ hộ kinh doanh thẩm mỹ ở quận 10 bị phạt 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng. Nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm Cùng với phẫu thuật thẩm mỹ, phun xăm cũng nở rộ. Phun xăm là thao tác sử dụng kim để đưa hạt mực vào trong da nhằm giúp lưu giữ hình ảnh xăm trong thời gian dài. Nhiều người còn gọi đó là cách làm đẹp không phẫu thuật. Theo BS Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da (Bệnh viện Da liễu TPHCM), phun xăm tại các cơ sở không được kiểm định về chất lượng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nguy hiểm như nhiễm trùng, dị ứng mực xăm, sẹo xấu... kể cả việc bị nhiễm vi khuẩn lao, nhiễm các loại virus mụn cóc, u mềm lây. Trong đó nguy hiểm nhất là “dính” các bệnh truyền nhiễm như HIV, giang mai, viêm gan B, viêm gan C... Ngoài ra, khách hàng còn đối mặt với các biến chứng của mực xăm. Nhiễm khuẩn tại chỗ xăm có thể gây nên tình trạng sưng nề, đỏ, nóng, đau nhiều và rỉ dịch mủ đục. Nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể vào máu và gây nhiễm trùng huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. "Khách hàng có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm và gặp phải các biến chứng phun xăm cao hơn khi tiến hành phun xăm thẩm mỹ tại các cơ sở không phép là do quy trình thực hiện không đảm bảo vô trùng, kim xăm, dung dịch sát khuẩn, găng tay và kỹ thuật thực hiện không được giám sát, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các khách hàng" - BS Huy cho biết. Qua các đợt kiểm tra y tế, hầu hết các cơ sở thẩm mỹ thực kiện kỹ thuật phun xăm không cho biết được mực xăm nhập từ nguồn nào. Hậu họa chính là từ đây nhưng những người muốn làm đẹp đã không hề biết đến. Theo BS Lê Thị Chi Phương (Bệnh viện Da liễu Hà Nội), làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, tuy nhiên các bạn trẻ đang có xu hướng "nghiện làm đẹp", tức là tần suất làm đẹp quá dày đặc. Họ bỏ tiền để cân chỉnh gương mặt của mình cho giống với "idol" bằng cách tiêm filler, botox, phẫu thuật...và thất bại trong thẩm mỹ là rất nhiều. Hiện trên thị trường có rất nhiều chất tiêm filler, botox là hàng giả, hàng nhái, không an toàn cho khách hàng. Các loại chất tiêm filler không rõ nguồn gốc có giá rẻ gấp 5 - 6 lần so với các chất tiêm filler chính hãng. Người dùng ham rẻ nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ chui để làm đẹp, đến khi gặp biến chứng thì đã quá muộn, phải tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian để khắc phục hậu quả. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|