Sáng nay (12/8), Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với phở Nam Định.

Theo đó, phở Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

w z5252417033690 3f25057a683ac852a460bb768b137269 2 1028.jpg
Phở Nam Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nam Định được biết đến là quê hương của nghề phở, nơi đây đã hình thành nhiều làng, nhiều dòng họ bán phở ở khắp các địa phương. Trong đó, có các làng tiêu biểu như Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực), Thạch Bi, Phúc Thọ (xã Nam Thái, huyện Nam Trực).

Từ lâu, phở Nam Định trở thành món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh phở Nam Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể phở Nam Định; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực phở Nam Định; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.

Cùng ngày, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, nghề chế biến mì Quảng cũng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, việc nghề chế biến mì Quảng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định được giá trị văn hóa của tri thức dân gian. Qua đó, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực mì Quảng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Mì Quảng.jpg
 Nghề chế biến mì Quảng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hà Nam.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mì Quảng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nghề chế biến mì Quảng hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của địa phương. Mì Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến làm nên sự đa dạng trong hương vị ẩm thực.

Đây chính là sản phẩm ẩm thực có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa dân gian; món ăn hiếm hoi có thể "chiều" được tất cả các kiểu khách; món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.