Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không có chuyện 'khai tử' môn lịch sử
Chia sẻ:
09/06/2022 - 16:26:00
Chiều 9-6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Môn lịch sử được phân theo 2 giai đoạn, vẫn có môn học này ở bậc phổ thông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Ảnh: Quochoi.vn
Sau khi 4 thành viên Chính phủ (thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính và Giao thông vận tải) hoàn thành phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung có liên quan.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt về môn lịch sử, Phó thủ tướng nói đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và các đại biểu cũng đã nêu.
Về một số ý kiến của cử tri việc môn lịch sử dẫn đến bỏ hoặc khai tử môn lịch sử, Phó thủ tướng nêu rõ, thực tế không phải như vậy và môn lịch sử được phân theo 2 giai đoạn, vẫn có môn học này.
Trước ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, Hội khoa học lịch sử Việt Nam liên quan chương trình giáo dục môn lịch sử ở THPT, tổ chức hội thảo với các đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học… để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp đảm bảo học môn lịch sử và kiến thức môn lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường, chú trọng.
Đại biểu tiếp tục chất vấn về môn lịch sử
Đại biểu Nguyễn Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) nêu trong việc quản lý và sử dụng tài sản công, đất công, có tình trạng các kho bãi, dự án của các bộ, ngành ở các địa phương bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, có trường hợp không triển khai dự án bị bỏ hoang nhiều.
Trong khi đó, quỹ đất của địa phương thì hạn hẹp, thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, các công trình cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.
"Chính phủ đánh giá như thế nào về thực trạng này và có chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết tình trạng này như thế nào?", đại biểu Hạnh chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho hay, nhiều đại biểu đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước.
Nhận xét "tồn tại này không mới", đại biểu Cường chất vấn, "đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn đối với hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý"?
Đặt câu hỏi chất vấn Phó thủ tướng, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) cho biết, những ngày vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, có ý kiến khác nhau về môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này?
Báo cáo trước phần trả lời chất vấn, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Về việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Phó thủ tướng cho hay đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỉ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể.
Về kết quả, đến hết tháng 5-2022 đã thực hiện khoảng 33.500 tỉ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỉ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỉ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo nghị quyết số 11/NQ-CP.
Về giải ngân vốn đầu tư công, theo Phó thủ tướng, đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Để đẩy nhanh việc này, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31-5, đã giải ngân 22,37% kế hoạch (trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%).
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp…