Phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn về kinh tế02/04/2021 - 10:02:00 Khi nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất - kinh doanh, thì đó là điều cần cảnh báo.
Tiền không đến đúng “địa chỉ”, rủi ro tiềm ẩn Một thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2021, đó là hiện nay, nguồn vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất - kinh doanh. “Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản; một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch, thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Đây cũng là điều được nhắc đến gần đây, khi đất nền ở nhiều khu vực được “thổi” lên rất cao, tình trạng đổ xô kinh doanh bất động sản đang diễn ra, khiến bắt đầu có những lo ngại về bong bóng bất động sản và hệ lụy của nó khi bong bóng này vỡ tung. “Có khả năng, một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra cảnh báo như vậy từ đầu năm và cho rằng, các dự án bất động sản vẫn đang phụ thuộc và dựa chủ yếu vào nguồn tín dụng ngân hàng. Trên thực tế, dù Ngân hàng Nhà nước luôn giám sát chặt chẽ tín dụng bất động sản, song dòng vốn ngân hàng bằng nhiều cách vẫn chảy vào bất động sản. Không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn có một thực tế khác rất đáng quan tâm. Đó là thị trường trái phiếu tuy phát triển nhanh, nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, song giá trị phát hành cổ phiếu lại giảm. Điều này cho thấy, nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất - kinh doanh. “Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Đặc biệt, PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhắc đến dấu hiệu đáng lo ngại của hiện tượng bong bóng giá trị tài sản, khi tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5. Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định, nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) đang là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Giá chứng khoán và bất động sản đều tăng bất thường trong năm 2020. “Đây là điểm rất cần cảnh báo. Lúc này, chính sách tiền tệ cần thận trọng và phải đảm bảo hướng dòng tiền vào sản xuất, nếu không sẽ làm hạn chế tăng trưởng trong dài hạn”, PGS-TS Thế Anh nhấn mạnh. “Thúc” tăng trưởng bằng chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt Dù nền kinh tế vẫn đang tiếp tục xu hướng phục hồi, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại phiên họp thường kỳ Chính phủ là “nhiều chỉ số kinh tế - xã hội tốt hơn”, “không khí làm ăn, kinh doanh khởi sắc hơn”, “cỗ xe tam mã của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) tiếp tục tăng”, song rõ ràng, khó khăn phía trước còn rất lớn. Áp lực để làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay càng nặng nề hơn bao giờ hết. “Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và cho rằng, việc chỉ số giá ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, linh hoạt và mở rộng đến mức nào là điều rất quan trọng. “Cần tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn ủi ro”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Các khuyến nghị cụ thể cũng đã được đưa ra. Đó là Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Trong khi đó, Bộ Tài chính cần tập trung theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. “Cần tăng cường giám sát biến động của thị trường chứng khoán, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường, đồng thời phát triển các quỹ đầu tư dài hạn và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cũng nhấn mạnh việc cần tận dụng cơ hội thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để phát triển thị trường. Đây chính là cách để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn, đưa tiền vào những lĩnh vực có thể giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững. Theo Báo Đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|