Bởi vậy, để giảm thiểu tình trạng tồn đọng phương tiện, ngoài việc rút ngắn quy trình, hiện đại hóa việc rà soát, đối chiếu, thông báo, cần ràng buộc và xử lý trách nhiệm của đơn vị có chức năng ra quyết định tịch thu, thanh lý.
Theo quy định hiện hành, để tịch thu một phương tiện vi phạm giao thông bị tồn đọng, cơ quan chức năng phải trải qua nhiều bước nhiều thủ tục khiến người ngoài cuộc còn thấy nản lòng.
Cụ thể, với trường hợp xác định được chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp, thì cơ quan chức năng cũng phải thông báo cho họ 2 lần, trong vòng 10 ngày làm việc.
Hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ 2, nếu người vi phạm, chủ sở hữu không đến nhận thì cơ quan chức năng mới có thể ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Với trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, để tịch thu phương tiện phải mất hàng năm, sau khi đã thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, còn các thủ tục đối soát thông tin để loại trừ phương tiện liên quan đến các vụ án…
Đó mới là các thủ tục để tiến hành tịch thu phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, phải trải qua các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, thẩm định giá, thành lập hội đồng để bán đấu giá, bán đấu giá… với sự tham gia của lực lượng CSGT, thuế, tư pháp…
Để hoàn thành quy tình này mất khoảng 2 năm, hoặc hơn. Điều đó phần nào lý giải được tình trạng chậm trễ trong việc đấu giá phương tiện tồn đọng tại các bãi trông giữ.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tình trạng tồn đọng phương tiện vi phạm tại các bãi tạm giữ, công an các địa phương cần tham mưu, rút ngắn quy trình, thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng khi phương tiện vi phạm đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận, hoặc trường hợp không xác định được chủ xe vi phạm, để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện đấu giá, thanh lý.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tiến hành các thủ tục tịch thu, thanh lý phương tiện tồn đọng. Các bên Công an, thuế, tư pháp cần có quy chế làm việc riêng để có quy trình xử lý nhanh chóng với phương tiện tồn đọng.
Bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định trách nhiệm của các bên khi chậm trễ thực hiện quy trình thanh lý, đấu giá, sau khi đã có quyết định tịch thu phương tiện, nhưng đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm, càng khiến phương tiện tồn đọng càng nhiều, gây lãng phí, thất thoát tài sản quá lớn cho người dân và xã hội.
Ngoài ra, cần nghiên cứu lại quy định cho phép người dân cược tiền để tự bảo quản phương tiện. Nếu các nghiên cứu về tác động xã hội của chính sách này cho thấy người dân không mặn mà thì có thể bỏ.
Ngược lại, nếu thấy cần thiết, cần nghiên cứu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là việc xác nhận của chính quyền địa phương, nơi tạm giữ, cam kết không mang phương tiện ra lưu thông… để tạo thêm cho người vi phạm một sự lựa chọn, vừa giảm tải cho các bãi trông giữ, vừa đảm bảo hiệu quả xử phạt mà không lo người vi phạm “bỏ của chạy lấy người”.