Khách hàng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và khu vực Miền Trung, Tây Nguyên đang dần quen với việc mua vải Thanh Hà qua sàn thương mại điện tử. Đây là cách làm phù hợp với xu thế thương mại hiện đại, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Sản lượng quả vải năm nay của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 55.000 tấn trên diện tích hơn 9.000 ha. Hầu hết diện tích vải của Hải Dương đều đã được cấp chứng nhận địa lý, mã số vùng trồng... Trong đó, hơn 1.000 ha vải được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Trước khi vụ vải năm nay bắt đầu thu hoạch, UBND huyện Thanh Hà đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp để hoàn thiện thủ tục và điều kiện để quả vải được tiêu thụ qua các ứng dụng thương mại điện tử trong nước như hỗ trợ người dân sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, lập hồ sơ thông tin cho từng lô hàng... Hiện, quả vải Thanh Hà đã trở thành mặt hàng khá "hot" trên các trang thương mại điện tử quen thuộc như Sendo, Voso, Postmart, Lazada.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, quả vải được bán trực tuyến sẽ giúp khách hàng mua được đúng đặc sản vải Thanh Hà, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm...
“Bước đầu việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả tương đối tốt. Ngoài việc hướng dẫn bà con về quy trình chăm sóc chúng tôi cũng tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm quả vải, tập trung ở thị trường nội địa, đưa được quả vải đến các tỉnh thành trong cả nước” - bà Hoàng Thị Thúy Hà nói.
Vụ vải năm nay sản lượng cao hơn trung bình mọi năm nhưng người trồng vải vui vì giá bán cao và sức tiêu thụ khá tốt. Hiện vải u trứng trắng 60.000- 80.000 đồng/kg, vải thiều sớm giống u hồng 25.000-35.000 đồng/kg. Theo thống kê sơ bộ chỉ sau vài ngày mở bán thông qua các sàn thương mại điện tử, đã có hàng chục tấn vải thiều Thanh Hà đến tay khách hàng.
Đáp ứng được nhu cầu của thị trường, người trồng vải Hải Dương đã có sự thay đổi lớn trong thói quen trong sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn để nắm được quy trình sản xuất vải an toàn và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Vừa kiểm tra đơn đặt hàng trên chiếc điện thoại thông minh, anh Nguyễn Văn Đệnh (xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà) vui vẻ cho biết, anh đang canh tác khoảng 1 mẫu với nhiều trà vải khác nhau.
Để nâng cao chất lượng quả vải, gia đình anh Đệnh đã tuân thủ nghiêm các quy định trong sản xuất vải an toàn, theo tiêu chuẩn như chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; tiến hành vệ sinh vùng trồng; ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ và đảm bảo đúng thời gian cách ly, làm sạch quả vải trước khi thu hoạch. Người trồng vải còn được học cách mở gian hàng, đăng bán sản phẩm, trả lời khách hàng và cập nhật thông tin, hình ảnh sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến.
“Muốn xuất khẩu được hay bán được trên các thị trường trong nước, người dân phải tuân thủ theo quy trình sản xuất vải sạch. Bà con cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn của các ngành chuyển giao để làm ra được những gì thị trường yêu cầu, vì bây giờ an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa lên hàng đầu” - anh Đệnh chia sẻ.
Trước những diến biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, việc khai thác tối đa tiềm năng thị trường nội địa đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ngoài cách thức tiêu thụ truyền thống như qua các siêu thị và bán trực tiếp cho thương lái tại địa phương thì các trang trang thương mại điện tử là "cầu nối" hết sức hiệu quả để đặc sản vải Thanh Hà đến tay người tiêu dùng.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đánh giá: “Trong bối cảnh dịch bệnh thì ngoài kênh xúc tiến truyền thống trực tiếp, chúng tôi cũng đẩy mạnh thêm kênh xúc tiến hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử với vải thiều và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh Hải Dương. Ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã phối hợp cùng với các sở ngành của tỉnh để triển khai hoạt động hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của Hải Dương, trong đó có vải thiều, lên các sàn thương mại điện tử”.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng Internet, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa trên các trang thương mại điện tử. Nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung và đặc sản vải thiều được mở bán và phân phối đến tay người tiêu dùng qua kênh bán hàng trực tuyến là cách làm phù hợp với xu thế thương mại hiện đại, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay./.