Trong cuộc gặp tháng 11 tại San Francisco, cả Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều bày tỏ mong muốn ngăn chặn sự “rơi tự do” trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, trong năm 2024 có thể những biến động mới sẽ tác động mạnh lên quan hệ giữa hai cường quốc như bầu cử Tổng thống Mỹ, bầu cử tại Đài Loan và cả các tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Rắc rối xuyên eo biển
Trong năm 2024, đầu tiên sẽ là cuộc bầu cử lãnh đạo của Đài Loan vào ngày 13/1 tới. Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng song cách Bắc Kinh tỏ thái độ ở mức độ nào sẽ quyết định đến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ứng cử viên Lý Thanh Đức, người hiện đang là phó lãnh đạo Đài Loan và đối thủ bà Tiêu Mỹ Cầm từ đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.
Các cuộc bầu cử tại Đài Loan trước đây đều khiến căng thẳng giữa hai bờ eo biển leo thang. Đáng chú ý nhất là năm 1996 khi Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận lớn và thử tên lửa ngay trước cuộc bầu cử khiến Mỹ phải điều tầu sân bay tới khu vực này.
Một số nhà phân tích cho rằng, ông Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiết chế phản ứng quân sự song Đài Loan vẫn đang cảnh giác cao độ trước các hoạt động của Bắc Kinh.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Nếu không có những bất ngờ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 nhiều khả năng sẽ là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Trong các cuộc tranh luận chắc chắn sẽ có những lời lẽ gay gắt về Trung Quốc, đặc biệt là đến từ ông Trump, người khơi mào cho cuộc chiến thương mại.
Bà Yun Sun, Giám đốc Trung tâm Stimson tại Washington cho biết: “Việc Trump trở lại có thể sẽ là cơn ác mộng tồi tệ với Trung Quốc”.
Mối quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu căng thẳng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama và người kế nhiệm Donald Trump đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn diện, những cáo buộc về nguồn gốc của Covid-19 và cả những cẳng thẳng về tình trạng Đài Loan.
Ở một khía cạnh nào đó, nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể là một lợi thế địa chính trị cho Trung Quốc. Tổng thống Biden hiện tại đã khéo léo gia tăng áp lực lên Bắc Kinh, duy trì mức thuế đánh vào các sản phẩm của Trung Quốc như thời ông Trump.
Nếu Trump quay trở lại, đồng nghĩa với việc Mỹ khả năng lớn sẽ lại rút khỏi các liên minh, điều đó có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động của Trump gần như là bất quy tắc và đồng nghĩa với việc không thể dự báo trước.
Vấn đề chip và chất bán dẫn
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm ngăn chặn các sản phẩm bán dẫn tiên tiến nhất lọt vào tay Trung Quốc. Các biện pháp này có thể sẽ được tăng cường trong năm tới. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết sẽ có một bản cập nhật "ít nhất là hàng năm".
Bắc Kinh đã nỗ lực chống lại các biện pháp của Mỹ, đặc biệt là trả đũa vào doanh nghiệp Mỹ. Một đòn bẩy mà Trung Quốc có thể sử dụng đó là nước này đang là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất chip. Vào tháng 7 vừa qua, Trung Quốc cũng công bố hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm gali và gecmani.
Mỹ cũng đã thành lập một ủy ban để chống lại việc chảy máu công nghệ nhạy cảm. Trợ lý Bộ trưởng Thương Mại Matthew Axelrod nói với hãng tin Reuters rằng các cuộc điều tra về vi phạm xuất khẩu công nghệ sang Trung Quóc đang được tiến hành và sẽ có những hành động thực thi đáng kể vào năm 2024.