Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bộ Quốc phòng Estonia bên lề Hội nghị Lennart Meri - Bộ trưởng Quốc phòng Hanno Pevkur nhận định với Newsweek rằng các nước NATO đã có các kênh cảnh báo điện Kremlin không sử dụng vũ khí hạt nhân và những đe dọa của Moscow sẽ không làm giảm sự hỗ trợ của phương Tây cho Kiev.
"Công việc của chúng ta ở đây là hỗ trợ Ukraine và suy nghĩ về những bước tiến họ có thể đạt được chứ không phải lo ngại về những gì điện Kremlin sẽ làm", ông Pevkur cho hay.
Một số nhà quan sát cho rằng quân đội Ukraine đang để mắt đến Bán đảo Crimea trong cuộc phản công sắp tới. Để phản công thành công, Ukraine có thể sẽ đánh vào phía Nam từ Zaporizhzhia và phía Đông từ Kherson để chia cắt hành lang trên đất liền nối Crimea với Nga nhằm cô lập bán đảo này.
Một số quan chức phương Tây lo ngại những tham vọng của Ukraine nhằm giành lại Crimea sẽ khiến điện Kremlin leo thang xung đột, mặc dù họ cho rằng hiện không có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Ukraine cần giành lại tất cả các vùng lãnh thổ", ông Pevkur nhận định khi được hỏi về vấn đề Crimea. Theo ông, vận mệnh của bán đảo này một phần sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Nga trong cuộc phản công sắp tới.
"Liệu đó có phải một cuộc tấn công dồn dập? Khi nào họ sẽ bắt đầu? Điều này rất khó để khẳng định. Khi nói về vấn đề này, có lẽ phải một hoặc hai tháng nữa chúng ta sẽ có thêm thông tin. Nhưng dựa trên những thông tin công khai mà chúng tôi có, chắc chắn Crimea là một lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin. Nhưng chúng ta không biết lằn ranh đỏ đó nghĩa là gì".
"Chúng ta không biết khi nào Ukraine sẵn sàng giành lại Crimea hay tình hình của quân đội Nga hiện nay như thế nào", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia nhận định, cho rằng có thể sẽ có trận đánh lớn và nó sẽ diễn ra trong một vài tháng hoặc ngược lại, đó sẽ là một cuộc xung đột kéo dài.
NATO đã thông qua các kênh khác nhau cảnh báo Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trước đó cảnh báo sẽ có những hậu quả "thảm khốc" cho Moscow nếu nước này sử dụng vũ khí phá hủy hàng loạt ở Ukraine. Tuy nhiên, NATO không nêu cụ thể liên minh này sẽ thực hiện những bước đi tiếp theo như thế nào mà thay vào đó lựa chọn "mơ hồ chiến lược".
Ông Pevkur là một trong số các quan chức phương Tây có thái độ thận trọng về cuộc phản công sắp tới của Ukraine.
"Đó là một sự kiện rất quan trọng. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Nhưng không nên đặt quá nhiều sức ép lên Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi huấn luyện binh lính Ukraine ở châu Âu và ở đây, trên lãnh thổ Estonia. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Chúng ta cần hy vọng rằng Ukraine sẽ đạt được thành công lớn nhất có thể”.
"Những hãy xem xét tình hình, tiền tuyến trải dài 800 - 900km, giới tuyến đầy đủ trải dài hơn 1.000km, đó là một phạm vi lớn. Rõ ràng ngay cả khi Ukraine có 12 hoặc 13 lữ đoàn mới thì họ vẫn phải đối phới hơn 300.000 quân Nga”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia nói./.