Quy định mới về nhãn hàng hóa: Có hạn chế được sự trục lợi, trốn thuế?13/02/2022 - 18:11:00 Việc cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhằm trục lợi, trốn thuế của một số doanh nghiệp đang làm giảm uy tín của hàng hóa xuất khẩu nước nhà. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại được đưa ra tại các nước nhập khẩu. Giới chuyên gia nhận định, quy định mới về nhãn hàng hóa sẽ giúp ngăn chặn thực trạng này đồng thời tránh được việc trục lợi và trốn thuế trong sản xuất, chế biến cũng như xuất khẩu.
Gia tăng tình trạng gian lận xuất xứ Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), có rất nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…; hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Điều này đã và đang diễn ra ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Tại Lạng Sơn, tình trạng gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua khai báo hải quan thời gian qua có những diễn biến khá phức tạp. Theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, tình trạng khai sai về xuất xứ nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Số liệu thống kê cho biết, trong quý III/2021, Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một số DN xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới. Trong đó, 3 DN khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đã bị xử lý theo qui định. Vi phạm của các DN này chủ yếu là nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc, song lại khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA... Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, hình thức, thủ đoạn gian lận là DN nhập khẩu hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu. Cuối năm 2021, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra và xử lý một số DN nhập khẩu hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Tương tự, vụ việc Công ty TNHH xe đạp Excel - DN 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện… từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh, không đảm bảo xuất xứ Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, tình trạng DN thiếu hiểu biết hay cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu không những gây ra những trở ngại khó khăn đối với cơ quan chức năng trong việc xử lý, mà quan ngại hơn, sự sai lệch xuất xứ hàng hóa xuất khẩu còn là nguyên nhân của nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại làm giảm uy tín của DN, ngành hàng và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, về chính sách, nhiều DN cho biết, thời gian qua, họ gặp rất nhiều khúc mắc trong vấn đề về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng. Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đối với quy chuẩn, yêu cầu về quy tắc, nguồn gốc xuất xứ, nhiều DN xuất khẩu đã vướng phải không ít tình huống éo le khi cùng một mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng nếu sản phẩm đó xuất khẩu sang mỗi thị trường yêu cầu đặt ra lại hoàn toàn khác nhau. Những khúc mắc của câu chuyện về quy định xuất xứ hàng hóa sẽ được giải tỏa khi Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2 tới. Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cụ thể, xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ: “Sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”… kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Bảo vệ uy tín cho hàng hóa trong nước Theo các chuyên gia, việc đưa ra các quy định chi tiết về nhãn hàng hóa sẽ là một trong những giải pháp phù hợp giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng nâng cao công tác kiểm tra và đấu tranh với gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, DN sản xuất, xuất - nhập khẩu hàng hóa. Từ đó nâng cao chất lượng, bảo vệ uy tín của hàng hóa nước nhà trên thị trường quốc tế. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia phát triển kinh tế Thái Hồng Lam nêu quan điểm, việc Chính phủ ban hành Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43 sẽ giúp tăng quyền cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi DN. “Quy định mới đảm bảo tính minh bạch cũng như sự linh hoạt, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN đối với sự trung thực và tính chính xác của hàng hóa, tuân thủ theo đúng quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”, ông Lam nói, đồng thời nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nhận thức của DN còn hạn chế càng cần phải nâng cao nhận thức cho DN, nếu cứ để DN lợi dụng trốn thuế hoặc trục lợi thông qua tờ khai nguồn gốc xuất xứ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng của ngành hàng của Việt Nam, về lâu dài còn ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của cả nền kinh tế”. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|