Quy hoạch tỉnh Hải Dương - hiện thực khát vọng phát triển (phần 1)08/01/2024 - 15:02:00 Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ những mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 2,55 triệu người. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp. 100% dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. 100% chất thải rắn thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến. 100% nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường. Phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 55%, hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại… Đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế. Các nhiệm vụ trọng tâm: đánh giá thực trạng và định hướng phát triển; thực hiện chuyển đổi số; phát triển nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Các đột phá phát triển của Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 5 trụ cột chính, ba nền tảng hỗ trợ, bốn trục phát triển không gian và các phương án phát triển. Các đột phá phát triển của Quy hoạch gồm: Tập trung phát triển 5 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. - Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ là văn hóa và con người xứ Đông- phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. - Bốn trục phát triển không gian gồm trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh, trục phát Đông - Tây trung tâm tỉnh; và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông. Phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, đây cũng chính là chiến lược phát triển, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với với khu kinh tế chuyên biệt, công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo. Về phương án phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm 14 đô thị mới, bao gồm: 01 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 01 đô thị loại II là thành phố Chí Linh; 01 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 07 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó: chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm cân bằng quỹ đất sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển các khu vực ven đô thị với mật độ thấp, ưu tiên mô hình phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái. Quy hoạch tỉnh cũng chỉ rõ những phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật Trong phương án phát triển các khu chức năng, Quy hoạch nêu rõ phát triển 01 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng công nghiệp động lực thuộc huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện, quy mô dự kiến khoảng 5.300 ha. Phát triển cụm công nghiệp: Đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có tổng số 61 cụm công nghiệp với quy mô diện tích khoảng 3.210 ha (trong đó có 58 cụm công nghiệp đã thành lập). Dự kiến phát triển thêm 25 cụm công nghiệp có tiềm năng (tổng diện tích khoảng 1.600ha), được thành lập khi có đủ điều kiện theo quy định. Phát triển các khu du lịch: Trên địa bàn tỉnh có 04 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận gồm: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Phượng Hoàng, Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quần thể Đền Cao. Trong đó từng bước đầu tư hạ tầng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt tiêu chí công nhận là Khu du lịch quốc gia. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm tiềm năng đầu tư, phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh. Phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để Hải Dương trở thành trung tâm cấp vùng về giáo dục và đào tạo phía Đông của vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố và phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Phát triển các khu thể dục, thể thao tại các huyện, thành phố phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác có liên quan và quy định của pháp luật. Xây dựng đồng bộ Khu liên hợp thể thao tỉnh tại thành phố Hải Dương, gồm các khu chức năng đáp ứng nhu cầu tập luyện thi đấu thể thao thành tích cao và phong trào thể thao quần chúng của người dân. Phương án phát triển các khu vực khó khăn: Thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô hợp lý; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Ưu tiên sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu vực khó khăn với các vùng phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chỉ rõ phương án phát triển mạng lưới giao thông phù hợp theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Về phương án phát triển đường bộ: Đường bộ Quốc gia thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đường Vành đai 5; Quốc lộ 5; Quốc lộ 10; Quốc lộ 17B; Quốc lộ 18; Quốc lộ 37; Quốc lộ 38; Quốc lộ 38B. Quy hoạch các tuyến đường tỉnh đạt tối thiểu cấp IV, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt. Các tuyến đường huyện bảo đảm đạt tối thiểu cấp IV, đối với đoạn tuyến chưa bảo đảm quy mô tối thiểu mà không mở rộng được thì phải nghiên cứu phương án tuyến tránh và được xác định trong các quy hoạch xây dựng. Phát triển 23 bến xe khách và xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tại trung tâm huyện, thành phố. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe. Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt: Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu đối với Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (khổ đường 1.000 mm) và Tuyến đường sắt Kép - Hạ Long (khổ đường 1.435mm). Xây dựng 02 tuyến đường sắt mới trong giai đoạn đến năm 2030, gồm: Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm); Tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (khổ đường 1.435mm). Cải tạo, nâng cấp ga Cao Xá lên thành ga Quốc tế. Phát triển đường thủy nội địa quốc gia gồm: tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì và Quảng Ninh - Ninh Bình. Phát triển các cảng thủy nội địa: cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn gồm 30 cảng; cụm cảng sông Thái Bình gồm 4 cảng; cụm cảng sông Luộc gồm cảng Ninh Giang. Định hướng phát triển đường thủy nội địa địa phương theo 12 tuyến trên tuyến sông Trung ương quản lý và 6 tuyến do địa phương quản lý. Nâng cấp, cải tạo và đưa vào quản lý 17 cảng thủy nội địa hiện có vào hệ thống các đường thủy nội địa quốc gia; phát triển 12 cảng thủy nội địa mới trên các tuyến sông trung ương. Cảng cạn: Thực hiện theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Cảng cạn Hải Dương thuộc thành phố Hải Dương, quy mô 18ha, năng lực thông qua 130.000 - 180.000 TEU/năm. Cảng cạn Gia Lộc thuộc huyện Gia Lộc, quy mô 5-8ha, mở rộng quy mô 10ha (đến năm 2050), năng lực thông qua khoảng 50.000 - 80.000 TEU/năm. Vũ Long
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|