Sáng 9/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan và một số địa phương nhằm bàn giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ được dự báo diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung.

 Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: N.H)

Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, về tình hình mưa lũ tại Quảng Ngãi, trong ngày và đêm qua (8/11) đã có những điểm mưa to, có nơi trên 100mm/h, tuy nhiên mưa kết thúc sớm, sau đó mưa lại. Trên sông Huệ (Quảng Ngãi) đã đạt đỉnh, trên báo động 3 0,11m, đang xuống chậm; trên sông Trà Khúc đạt mức 4,5m, dưới báo động 2 0,5m, đang lên chậm.

Dự báo 12-24h tới, mực nước sông từ Quảng Ngãi cũng như các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa dao động, có xu hướng giảm dần. Cụ thể, tại Thừa Thiên Huế lên mức báo động 1- báo động 2; khu vực Quảng Nam tới Khánh Hòa lên báo động 2- báo động 3, có sông lên trên báo động 3. Trong điều kiện như vậy, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng là rất lớn.

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, dự báo mưa trong 6 ngày tới, từ 9-14/11, lượng mưa khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam phổ biến từ 200-350mm, có nơi trên 400mm; phía Nam của Quảng Nam mưa phổ biến từ 350-650mm, có nơi trên 800m. Đồng thời, sau ngày 14 và 15/11, mưa vẫn chưa thể kết thúc.

Ông Lâm cũng lưu ý, mưa trong đợt này thường diễn ra trong vòng 2-3 tiếng, sau đó sẽ dừng, vài giờ sau sẽ mưa lại. Do đó, các địa phương cần để ý đặc điểm này để chuẩn bị cho công tác ứng phó.

Bên cạnh đó, còn khá nhiều hộ dân trong khu vực nguy cơ lũ quét, do đó, cần hết sức lưu ý. Trong đợt này, mưa sẽ tập trung tại 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, trong đó, tập trung nhiều nhất tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, về sản xuất nông nghiệp, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa có 1,2 triệu con gia súc; 1.76 triệu con lợn; 33,265 triệu con gia cầm. Ngoài ra, các tỉnh từ Đà Nẵng – Khánh Hòa còn 14.912ha lúa mùa chưa thu hoạch.

Triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ, các địa phương đã có kế hoạch sơ tán dân khi lũ trên báo động 3. Trong đó, dự kiến sơ tán 65.729 hộ/258.444 khẩu (Quảng Nam: 28.952/115.806; Quảng Ngãi: 2.445/9.464; Bình Định: 7.031/25.642; Phú Yên: 11.609/40.727; Khánh Hòa: 1.794/7.320). Kế hoạch sơ tán dân vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất gồm 26.743 hộ/110.560 khẩu.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, tình hình mưa lũ theo dự báo diễn biến tương đối phức tạp, trong khi đó, tháng trước, chúng ta vừa đón đợt mưa lũ lớn và vừa triển khai khắc phục. Với đợt mưa lũ lần này, chúng ta luôn luôn sẵn sàng ứng phó kịp thời nếu tình huống mưa lũ lớn xảy ra như các năm trước, hoặc nếu mưa lũ thấp hơn, cần điều chỉnh để nguồn nước được sử dụng phù hợp cho các hoạt động kinh tế-xã hội.

Ông Hoài cho biết, về tình hình mưa lũ, tối qua đã diễn biến phức tạp tại một số khu vực và sẽ diễn ra trọng tâm từ nay đến ngày 14/11. Do đó, ông Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tăng cường công tác dự báo, báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và thông tin đến các địa phương để triển khai kịp thời công tác ứng phó.

Bên cạnh đó, ông Hoài đề nghị Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ huy của các địa phương, bộ, ngành thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, công tác dự báo để tham mưu kịp thời, rà soát lại tất cả các kịch bản, kể cả ngập lụt, xả lũ ở các hồ chứa; kịch bản ứng phó sạt lở tại khu vực miền núi để công tác chuẩn bị được chủ động, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra.

Đặc biệt, ông Hoài đề nghị các địa phương cần triển khai chi tiết, phân công cho các thành viên trong Ban Chỉ huy xuống các địa bàn để chỉ đạo công tác ứng phó. Trong đó, các địa phương cần triển khai ngay lực lượng xung kích tại các xã để rà soát các khu vực nguy cơ ngập lụt, rủi ro gây mất an toàn cho người, giao thông vận tải, cho hoạt động các công trình và kể cả cho các trang trại, gia trại lớn. Đồng thời, lưu ý khơi thông các dòng chảy bị tắc nghẽn dễ gây ra thiệt hại.

Ông Hoài yêu cầu rà soát các vùng không đảm bảo an toàn như ven sông, suối, các vùng ngập sâu, sạt lở, khu vực miền núi để đảm bảo an toàn cho người dân. Quan tâm đến việc an toàn tại chỗ, đồng thời, hết sức lưu ý vấn đề đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện ngập lụt kéo dài. Ngoài ra, với phương án sơ tán tập trung, cần đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19 và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân trong khu vực sơ tán.

Cùng với đó, ông Hoài đề nghị cần đảm bảo an toàn cho giao thông, trong đó, triển khai lực lượng tuần tra canh gác, hướng dẫn tại các khu vực giao thông ngập sâu, qua các ngập tràn, các khu vực có nguy cơ sạt lở,…

Với hồ chứa, cần rà soát lại ngay các kịch bản lũ về để điều tiết vận hành. Các địa phương giao nhiệm vụ cho các chủ hồ kiểm tra ngày tình trạng an toàn và hệ thống thông tin tại hạ du, kiểm tra ngay kịch bản ngập lụt tại hạ du hồ chứa; bám sát tình hình lượng nước về để vận hành điều tiết.

Ngoài ra, ông Hoài lưu ý vận hành đảm bảo an toàn cho lưới điện khi bị ngập lụt, bố trí lực lượng thường trực để xử lý khi có tình huống xảy ra, khôi phục các sự cố về điện ngay sau khi lũ rút./.