Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện xây dựng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân và sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán, đơn cử hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu.
Hiện nay, các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch COVID-19; trong đó mỗi phường, xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên; đồng thời rà soát các chợ đang hoạt động chưa hết công suất… đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào thủ đô để giúp thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, hỗ trợ cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.
"Nhờ chuẩn bị tốt, nên mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do COVID-19 song hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân," đại diện Sở Công Thương thông tin.
Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các đơn vị rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi, nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm… phù hợp nhu cầu tiêu dùng người dân trong phòng chống dịch nhằm đảm bảo nguồn tự cung cao nhất cho Hà Nội.
Đối với ngành công thương, thành phố đề nghị tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung-cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.
"Sở Công Thương đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho thành phố," đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay./.